13/7/11

Hệ thống vệ tinh quân sự của Trung Quốc gây lo ngại

Trung Quốc từng công khai phô trương vệ tinh của mình, như nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tháng 10 năm 2009
Trung Quốc từng công khai phô trương vệ tinh của mình, nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tháng 10 năm 2009
David Gray/Reuters
Thanh Phương 13/7/2011
 
Theo hãng tin Reuters, trích một báo cáo sắp đăng trên tạp chí chuyên về quân sự và ngoại giao của Anh Quốc, Journal of Strategic Studies, Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống vệ tinh có thể giúp hoàn thiện một tên lửa đạn đạo có khả năng bắn chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ ở tầm xa. Thông tin này được đưa ra vào lúc Trung Quốc chuẩn bị cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này.

Trong những năm gần đây, Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa, ngoài hàng không mẫu hạm, còn phát triển chiến đấu cơ tàng hình J20 và tên lửa Đông Phương -21D, có khả năng bắn chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ trong phạm vi 1.600 km.

Theo bài báo nói trên, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc đang chuyển từ việc thu thập thông tin chiến lược sang một khả năng mới, đó là yểm trợ các chiến dịch quân sự, cụ thể là dò tìm và chấm toạ độ mục tiêu cho các tên lửa đạn đạo đối hạm.

Nói chung, theo bài báo, khả năng dọ thám của hệ thống vệ tinh quân sự Trung Quốc nay gần như đã ngang bằng với hệ thống của Mỹ về khả năng chụp tọa độ tĩnh, và có thể qua mặt Mỹ trong hai năm tới.

Từ mấy năm qua, Trung Quốc đã cố trấn an thế giới về cái gọi là « sự trỗi dậy hòa bình » và về chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng gần đây Bắc Kinh lại tỏ ra ngày càng hung hăng trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.


Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay ra tuyên bố cho rằng việc Trung Quốc từ chối để cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử tranh chấp lãnh hải Biển Đông  cho thấy là những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh là «  không vững chắc ». Theo Ngoại trưởng Philippines, Trung Quốc từ chối như vậy là vì họ không thể chứng minh được những đòi hỏi chủ quyền dựa trên luật với quốc tế.  

Manila muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển, một cơ chế độc lập được thiết lập trong khuôn khổ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp lãnh hải.

Nhưng hôm qua, Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi,  đã bác bỏ đề nghị nói trên của Philippines. Theo phát ngôn viên Hồng Lỗi, Trung Quốc vẫn chủ trương là tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết qua thương lượng giữa các nước có liên hệ, dựa trên các luật quốc tế đã được thừa nhận.

Không có nhận xét nào: