29/7/11

Tây Ban Nha có nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm thêm một nấc

Các thành viên phong trào "Stop Foreclosures" căng biểu ngữ "Chấm dứt tịch biên nhà" trước căn hộ của một gia đình ở Valencia có nguy cơ bị tịch biên ngày 21/7/11.
Các thành viên phong trào "Stop Foreclosures" căng biểu ngữ "Chấm dứt tịch biên nhà" trước căn hộ của một gia đình ở Valencia có nguy cơ bị tịch biên ngày 21/7/11.
Reuters
Thanh Phương 29/7/2011
 
Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm nay 29/7 đã dọa sẽ hạ thêm một nấc điểm về nợ của Tây Ban Nha và đã phạt 6/17 vùng của nước này do tình hình tài chính tồi tệ.

Các công ty xếp hạng tín nhiệm, các nhà phân tích, cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ nhiều tháng qua đã bày tỏ mối quan ngại của họ về tình trạng tài chính của 17 vùng của Tây Ban Nha, mà hiện mắc nợ rất nhiều, với tổng số nợ lên tới 121 tỷ euro. Các vùng này vẫn được hưởng quyền tự trị rất lớn về mặt tài chính và cho tới nay vẫn chi xài thoải mái, bất chấp thâm thủng ngân sách.

Hôm nay, Moody’s đã loan báo hạ thêm một nấc điểm của 6 vùng, trong đó có một trong những vùng mạnh nhất là Catalunya, do tình hình ngân sách và nợ của các vùng này đang xấu đi.

Về tình hình chung của Tây Ban Nha, sau khi đã hạ điểm nước này ngày 10/3 vừa qua, hôm nay Moody’s dọa sẽ hạ điểm về nợ thêm một bậc nữa. Bởi vì theo công ty này, Tây Ban Nha « ngày càng dễ bị tổn thương do căng thẳng của thị trường », mặc dù chính phủ Madrid đã nỗ lực thi hành nhiều kế hoạch khắc khổ để giảm thâm thủng ngân sách, cũng như đã thực hiện các cải tổ để hiện đại hóa thị trường lao động, chế độ hưu trí và khu vực ngân hàng. Hiện giờ, nợ của Tây Ban Nha được xếp điểm « Aa2 ».

Có hai lý do khiến Moody’s đưa ra lời de dọa nói trên: Thứ nhất, chính phủ Tây Ban Nha vẫn liên tục bị áp lực phải vay thêm tiền. Thứ hai, nước này sẽ khó mà cắt giảm được thâm thủng ngân sách, do mức tăng trưởng quá kém và do nhiều chính quyền địa phương tiếp tục bị thiếu hụt ngân sách.

Tây Ban Nha đã nằm trong tầm ngắm của các thị trường từ hơn một năm nay, kể từ khi các công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch và Standard&Poor’s hạ điểm của nước này vào tháng 4 và tháng 5/2010. Nền kinh tế Tây Ban Nha vừa mới thoát khỏi khủng hoảng, với mức tăng trưởng trong quý 1 chỉ đạt khoảng 0,3% và mức thất nghiệp lên tới gần 21% trong quý 2, mức kỷ lục trong số các nước công nghiệp hóa.

Ngay sau khi Moody’s ra lời cảnh báo về Tây Ban Nha, tỷ giá đồng euro hôm nay đã sụt xuống dưới mức 1,43 đôla, do áp lực của thị trường. Như vậy là sau vài ngày yên ắng, nhờ cuộc họp thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles 21/7 đã thông qua được kế hoạch trợ giúp Hy Lạp, khủng hoảng về nợ của khu vực đồng euro nổi lên trở lại. Nguy cơ khủng hoảng Hy Lạp lan sang các nước khác của vùng euro vẫn còn đó, nhất là vì các thị trường tài chính vẫn hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch trợ giúp Hy Lạp.

Nhưng các thị trường còn bị dao động vì một lý do khác nữa, đó là bế tắc chính trị tại Hoa Kỳ, do hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn bất đồng với nhau trên vấn đề nâng mức trần của nợ công và trên vấn đề cắt giảm thâm thủng ngân sách.

Các nhà đầu tư sợ rằng khủng hoảng này sẽ khiến Hoa Kỳ bị các công ty xếp hạng tín nhiệm hạ điểm, cho dù cuối cùng hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có đạt được thoả thuận.

Không có nhận xét nào: