8/7/11

Chính quyền Miến Điện vẫn sẽ cấm bà Aung San Suu Kyi hoạt động chính trị

Bà Augn San Suu Kyi gặp gỡ người dân trong chuyến đi thăm Bagan hôm 6/7/2011
Bà Augn San Suu Kyi gặp gỡ người dân trong chuyến đi thăm Bagan hôm 6/7/2011
REUTERS/Soe Zeya Tun
Thanh Phương 8/7/2011
 
Hôm nay (08/07/2011), bà Aung San Suu Kyi đã kết thúc chuyến đi tỉnh đầu tiên kể từ khi được tự do, nhưng chế độ Miến Điện sẽ không nhắm mắt làm ngơ cho những hoạt động chính trị sau này của bà. 

Trong chuyến đi tỉnh vừa qua, cụ thể là tại Bagan, cố đô ở miền Trung Miến Điện, nguời ta thấy có nhiều người dân, rất xúc động, đã vay quanh bà Aung San Suu Kyi. Có ngưòi đã bật khóc khi được bà cho chữ ký và chụp hình với bà.

Chuyến đi này được mô tả như là có tính chất riêng tư và thực tế bà Aung San Suu Kyi đã không có tuyên bố nào có nội dung chính trị. Trước khi lên máy bay trở về Rangun, bà cũng đã không có bình luận gì. Nhà đối lập Miến Điện đã có thể tự do đi lại để chiêm ngưỡng những di tích của cố đô Bagan mà không gặp trở ngại gì. Bà đi đến đâu, cảnh sát chìm đều bám sát theo, nhưng không ngăn cản.

Nhưng chuyến đi này rõ ràng là dịp để trắc nghiệm uy tín của bà đối với người dân Miến Điện. Cho dù số người đến gặp bà Aung San Suu Kyi không thấm vào đâu so với những đám đông dày đặt đón tiếp bà vào những năm 2002-2003, nhưng sự xúc động thể hiện qua nét mặt những người vây quanh bà hôm thứ tư vừa qua cho thấy là bà vẫn được dân chúng mến mộ, sau 7 năm bị quản chế.

Nhưng theo các nhà quan sát, chính quyền Miến Điện sẽ không dễ dãi như vậy nếu bà Aung San Suu Kyi bắt đầu có những phát biểu về chính trị. Tờ nhật báo chính thức New Light of Myanmar cách đây vài ngày đã cảnh cáo bà Aung San Suu Kyi rằng một chuyến đi mang tính chính trị có thể sẽ kéo theo « hỗn loạn và bạo động ».

Theo lời ông Trevor Wilson, cựu đại sứ Úc ở Rangun, chính quyền Miến Điện muốn nhắn gởi một điều : chính trị là « vùng cấm » đối với bà Aung San Suu Kyi. Nhưng ông Wilson cho rằng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có thể sẳn sàng thách thức chính quyền, để chứng tỏ là họ vẫn có một vai trò nào đó.

Vào năm 2003, trong một chuyến du hành đến các tỉnh, đoàn của bà đã lọt vào ổ bị phục kích, dường như là do tập đoàn quân sự dựt giây, khiến cả trăm người chết( theo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ), nhưng phía chính quyền chỉ công nhận có 4 nạn nhân. Sau vụ tấn công này, lãnh đạo đối lập Miến Điện đã bị quản thúc tại gia.
Vì sợ xảy ra các vụ lộn xộn, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã điều động một số cận vệ để bảo đảm an toàn cho Aung San Suu Kyi khi bà đến Bagan. Cảnh sát Miến Điện dường như cũng đã bảo vệ bà khỏi bị đám đông chen lấn.

Tuy nhiên tương lai của nhà đối lập Miến Điện còn rất mờ mịt. Chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho bà, một tuần sau cuộc tuyển cử mà phe đối lập tẩy chay, nhưng chỉ là nhằm làm giảm áp lực của quốc tế.

Sau cuộc bầu cử này, tập đoàn quân phiệt đã chuyển giao quyền hành cho một chính quyền có vỏ bọc dân sự, nhưng thực tế vẫn do giới quân sự kiểm soát và phe này thì chắc chắn sẽ làm sao cho bà Aung San Suu Kyi không trở thành mối đe doạ đối với chế độ. Cho nên, cựu đại sứ Wilson dự báo là chính quyền sẽ nhanh chóng dựa vào một cớ nào đó để hạn chế sự đi lại của nhà đối lập này.

Không có nhận xét nào: