23/6/11

Giáo hội Công giáo Cuba kêu gọi đối thoại giữa chính quyền với đối lập

Đức Hồng y Jaime Ortega
Đức Hồng y Jaime Ortega
Reuters/Desmond Boylan
Thanh Phương 23/6/2011
 
Cách đây khoảng hơn một năm, Giáo hội Công giáo Cuba đã mở một cuộc đối thoại đầu tiên với chính quyền Cộng sản và nhờ vậy mà nhiều tù chính trị ở nước này đã được phóng thích. Nay, Giáo hội Cuba muốn đi xa hơn, với lời kêu gọi đối thoại giữa chính quyền La Habana với phe đối lập.

Ngày 19/5 năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Cộng sản được thiết lập trên đất nước này năm 1959, Đức Hồng y Jaime Ortega, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Cuba từ 30 năm qua, đã bắt đầu chính thức đối thoại với chủ tịch Raoul Castro. Kết quả của cuộc đối thoại này là chính quyền La Habana chấp nhận trả tự do cho 52 nhà đối lập trong nhóm 75 người đã bị bắt và bị kết án tù nặng nề sau đợt đàn áp dữ dội mùa xuân năm 2003. Trước đó, 23 người trong nhóm tù chính trị này đã được thả, chủ yếu vì lý do sức khoẻ.

Cho tới nay, 40 tù chính trị được trả tự do nhờ trung gian của Giáo hội Cuba, đã phải chấp nhận sống lưu vong tại Tây Ban Nha, 12 người kia thì được phép ở lại Cuba. Ngoài 52 tù chính trị, chính quyền Raoul Castro cũng đã thả gần 80 tù thường phạm. Những người này cũng đã sang Tây Ban Nha định cư. Tổng cộng, khoảng 130 phạm nhân đã được phóng thích.

Tuy nhiên, theo các tổ chức nhân quyền ở Cuba, tại nước này hiện vẫn còn khoảng 60 tù nhân đang bị giam với lý do « xâm phạm an ninh quốc gia ». Các lãnh đạo Giáo hội hiện vẫn tiếp tục làm trung gian với chính quyền để giúp cho những tù chính trị đó cũng được tự do. Tuy nhiên, đối với Giáo hội Cuba, việc trả tự do cho các tù chính trị không phải là một « giải pháp lý tưởng » để hóa giải hoàn toàn cuộc đối đầu dai dẳng giữa chính quyền với đối lập Cuba.

Trong một bài báo đăng trên trang web của tạp chí Công giáo Palabra Nueva hôm qua, phát ngôn viên của Tòa Tổng giám mục La Habana Orlando Marquez viết : « Bây giờ, hoặc trong tương lai gần, đất nước cần phải tìm ra một không gian, mà trong đó mọi ý kiến, quyền lợi và vị thế khác biệt có thể gặp nhau và hòa nhịp trong một dự án chung và phổ quát ».

Phát ngôn này viết tiếp : « Lúc đó, có thể là vai trò trung gian của Giáo hội sẽ không còn cần thiết nữa, vì chúng ta sẽ có một xã hội mà, thông qua tiến trình thương lượng thẳng thắn và có trách nhiệm, sẽ chuyển đổi thành xã hội của mọi người, thịnh vượng và tràn đầy sức sống. ». Nhưng tác giả bài báo lấy làm tiếc là trước mắt, tiến trình đối thoại giữa chính quyền và đối lập chưa được hoạch định.

Dầu sao, với lời kêu gọi nói trên, Giáo hội Cuba đã một lần nữa thể hiện tính năng động trong một đất nước đang bắt đầu chuyển đổi, ít ra là về mặt kinh tế. Bên cạnh cuộc đối thoại đã giúp cho nhiều tù chính trị được tự do, Giáo hội Công giáo Cuba đã tuyên bố ủng hộ các cải cách kinh tế của chính phủ Raoul Castro. Gần đây, các lãnh đạo Giáo hội còn đề nghị được tham gia vào một số lĩnh vực kinh tế, như các dịch vụ y tế ở Cuba.

Không có nhận xét nào: