6/6/11

Giới học giả Việt Nam muốn các nhà lãnh đạo có thái độ kiên quyết hơn với Trung Quốc


Thanh Phương 6/6/2011
 
Dư luận Việt Nam nói chung và các học giả Việt Nam nói riêng đòi hỏi các nhà lãnh đạo Hà Nội phải có thái độ mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh, nếu không Trung Quốc sẽ lấn tới nữa. RFI phỏng vấn giáo sư Tương Lai từ Sài Gòn.

Hôm qua, hàng ngàn người đã biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn trước các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc để phản đối Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách ngang ngược, đặc biệt qua vụ cắt dây cáp tàu Bình Minh 02 ngày 26/5.

Các cuộc biểu tình này dường như đã được chính quyền ngầm cho phép, mặc dù trên thực tế, lực lượng an ninh ở Hà Nội cũng như Sài Gòn, đã cố tìm cách ngăn không cho số người tham gia quá đông, cũng như đã nhanh chóng giải tán các cuộc tập hợp.

Tuy các cuộc biểu tình hôm qua đã được tường thuật rộng rãi trên mạng Internet, với rất nhiều hình ảnh và âm thanh, nhưng Thông tấn xã Việt Nam vào cuối ngày đã đăng một bản tin tựa đề « Về việc một số người tụ tập trước Đại sứ quán Trung Quốc », cho rằng không hề có chuyện « biểu tình chống Trung Quốc », mà chỉ có « một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, …» và « sau khi được các đoàn thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích, họ đã tự giải tán, ra về. »

Bản tin này có lẽ trước hết là để thanh minh với phía Trung Quốc rằng đây chỉ là tập hợp “ tự phát” của quần chúng, chứ chính quyền Hà Nội không hề chủ trương chuyện này. Thứ hai cũng là nhằm cảnh báo rằng các cuộc “ tự phát tụ tập “ là có liên hệ với một sự kiện cụ thể là vụ tàu Bình Minh 02 và là một ngoại lệ đặc biệt, chứ điều này không có nghĩa là chính quyền cho biểu tình thoải mái mỗi khi muốn phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Như vậy, rất có thể là lần tới, cuộc biểu tình chống Trung Quốc sẽ không được ngầm cho phép nữa và sẽ bị ngăn chận ngay từ đầu, giống như đã xảy ra vào cuối năm 2007.

Sau vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp ngày 26/5 ở một nơi nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng được coi là mạnh hơn mức bình thường, mở họp báo ngay vào Chủ nhật 29/5, để « kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc ». Nhưng dư luận Việt Nam nói chung và các học giả Việt Nam nói riêng đòi hỏi các nhà lãnh đạo Hà Nội phải có thái độ mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh, nếu không Trung Quốc sẽ lấn tới nữa.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nghiên cứu viên độc lập về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, trên tờ Người Lao Động 2/6 đã nhận định : « Chúng ta phản ứng đủ độ thì Trung Quốc chắc chắn phải suy nghĩ trước khi có những hành động leo thang tiếp theo. Trong trường hợp chúng ta phản ứng không đủ độ, dứt khoát Trung Quốc sẽ lại lấn tới. »

Cũng trên tờ Lao Động ngày 5/6, giáo sư tiến sĩ Chu Hạo nhận định hành động của Trung Quốc với tàu Bình Minh 02 ngày 26-5 vừa qua là « một kịch bản được dàn dựng trước » nhằm biến yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông thành hiện thực. Cho nên, giáo sư Chu Hạo cho rằng Việt Nam cần phản ứng thích đáng trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và quốc tế. Như thế, « Trung Quốc sẽ luôn phải nghĩ kỹ trước mỗi hành động tiếp theo trên biển Đông. »

Về phần Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên VietnamNet ngày 2/6 cũng nhận định : « Ta vững thì họ lùi, ta lùi thì họ tiến. Mềm nắn, rắn buông, Trung Quốc luôn là như vậy. Người ta gọi sự kiện Bình Minh 02 là phép thử là vì lẽ như vậy. Có hay không những vụ Bình Minh 02 khác hoàn toàn phụ thuộc vào hành xử của chúng ta. »

Trả lời phỏng vấn tờ Pháp Luật TP Hồ Chí Minh ngày 3/6, một chuyên gia về Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc, thì đề nghị : « Việc Việt Nam cần làm bây giờ là: Về đối ngoại, ngay lập tức vạch rõ tính phi chính nghĩa của Trung Quốc và nêu rõ tính chính nghĩa của ta, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế; về đối nội, lãnh đạo phải tin vào nhân dân. » Ông Quách Hải Lượng khẳng định: « Không nên quá lo sợ và chỉ tập trung chú ý vào tiềm lực quân sự của Trung Quốc, mà nên cảnh giác với cả các lĩnh vực khác có sự tham gia rất mạnh mẽ của Trung Quốc như đầu tư, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… ở Việt Nam. »

Riêng đối với giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào ngày 3/6, sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp tàu Bình Minh 02 chỉ là khúc nhạc dạo đầu để thăm dò thái độ của Việt Nam và nếu Việt Nam không có thái độ thật cứng rắn, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm lấn. Muốn tạo ra đủ sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc, theo giáo sư Tương Lai, phải khích động tinh thần yêu nước của người dân, thậm chí phải để cho người dân tự do biểu tình phản đối Trung Quốc. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn giáo sư Tương Lai từ Sài Gòn :

Không có nhận xét nào: