Một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh chụp tháng 5/2005.
Reuters
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm nay, mức thâm thủng mậu dịch, tức là nhập siêu, của Việt Nam chưa gì đã lên tới khoảng 6,5 tỷ đôla và trong đó, phần lớn vẫn là nhập siêu từ Trung Quốc. Nói chung, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hiện là lớn nhất.
Cho đến nay, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô, khoáng sản, nông lâm thủy sản, trong khi Trung Quốc bán sang Việt Nam chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, phụ tùng, hàng chế biến phep theo nguyên liệu như vải, chất dẻo. . . để Việt Nam chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ RFI, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư ( Invest Consult Group ) cho rằng nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề rất nan giải và đang gây rất nhiều khó khăn cho ngành sản xuất của Việt Nam.
Còn theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ( VERP ) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, “chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Việt Nam cũng thiếu vắng những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc lại biết tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại khu vực.”
Ngược lại, theo VERP, “hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém cả về giá cả và chất lượng nên khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc là khoáng sản và nông lâm thủy sản với số lượng nhỏ, giá cả bấp bênh.”
Để giải bài toán nhập siêu từ Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc VERP cho rằng, “cần có các giải pháp đồng bộ, không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, chính sách công nghiệp trong cơ chế chọn nhà thầu khoán.”. Nhưng nói thì dễ, theo ông Nguyễn Đức Thành “đây hoàn toàn không phải là điều đơn giản trước sự hiện hữu ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc trên toàn thế giới.”
Bên cạnh tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, một vấn còn nghiêm trọng hơn cả đó là sự tràn ngập hàng hoá Trung Quốc trên khắp Việt Nam.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng Online ngày 8/6 vừa qua đã có bài báo động về tình trạng hàng giá rẻ vừa kém chất lượng, vừa độc hại của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, như đồ chơi trẻ em có nồng độ chì vượt mức cho phép, điện thoại iPhone made in China mới xài có hai tuần sóng đã chập chờn, tiếng còn tiếng mất, radio sau một tháng tiếng phát ra như người bị nghẹt mũi.
Nguy hiểm hơn cả là nhiều thực phẩm ở Việt Nam hiện nay dùng các chất phẩm màu gây ung thư có nguồn gốc từ Trung Quốc, chưa kể sữa nhiễm melamine, trứng gà, gia vị lẫu, tương ớt có nguy cơ gây ngộ độc hoặc ung thư. Ngay cả chăn đệm, quần áo Trung Quốc cũng đe doạ sức khoẻ con người vì có chất formadehyde gây hại cho da. Rồi còn phải kể đến trà trân châu bằng polymer, trứng gà giả. Đồ trang sức made in China cũng kinh khủng không kém.
Mới đây lại có thông tin về ly cốc thủy tỉnh của Trung Quốc bị nhiễm độc chì nhưng vẫn được ồ ạt nhập vào bán ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Buồn cười hơn nữa là chuyện taxi đang chạy bị rớt hai bánh xảy ra ngày 7/6 vừa qua tại thành phố Huế. Thì ra đó là một chiếc xe do hãng Lifan của Trung Quốc sản xuất!
Trước sự độc hại của nhiều mặt hàng Trung Quốc, một số người tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là những người có mức thu nhập từ trung bình trở lên, đã bắt đầu tẩy chay rau quả Trung Quốc, chuyển sang mua rau quả nhập từ Mỹ, Úc hay New Zealand, an toàn hơn. Ngay cả những người thu nhập thấp cũng quay sang mua rau quả Việt Nam, ít ra bảo đảm là không bị nhiễm độc.
Những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong những ngày qua đang làm dấy lên thêm phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc, đẩy mạnh tinh thần “ Người Việt dùng hàng Việt”. Nhưng nếu, ngành công nghiệp Việt Nam không đủ sức tạo ra những hàng hóa vừa giá rẻ, vừa bảo đảm chất lượng, cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, thì phong trào dùng hàng nội hóa cũng chẳng đi đến đâu. Cũng như nếu các nhà quản lý không đủ sức ngăn chận những ngõ nhập hàng ồ ạt qua biên gìới phía Bắc, thì các sản phẩm độc hại của Trung Quốc tiếp tục đe dọa sức khỏe của người dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét