7/6/11

Tranh giành tài nguyên thiên nhiên gây căng thẳng trên thế giới

Trung Quốc đầu tư khai thác khoáng sản ở nước ngoài (Reuters)
Trung Quốc đầu tư khai thác khoáng sản ở nước ngoài (Reuters)
Thanh Phương 7/6/2011
 
Trong những năm gần đây, căng thẳng trên thế giới phần lớn chính là do sự tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó là kết luận của Viện quốc tế nghiên cứu vì hòa bình Stockholm (SIPRI ) trong bản báo cáo được công bố hôm nay, 7/6/2011.

Theo bản báo cáo của SIPRI, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng cao và những biến đổi khí hậu đã gây nên tình trạng khan hiếm ở nhiều nơi. Cho nên cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng gay gắt, và đó chính là nguyên nhân chính gây căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới. Nói cách khác, các nguồn tài nguyên nay là yếu tố chính của các cuộc xung đột.

Theo lời ông Neil Melvin, giám đốc của SIPRI đặc trách về chương trình « Xung đột vũ trang » và « Xử lý các xung đột », tuy chưa thể nói đến chuyện xung đột trực tiếp giữa các quốc gia do việc tranh giành tài nguyên, nhưng chắc chắn là đang có một sự căng thẳng ngày càng tăng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến xung đột hoặc khiến cho những xung đột hiện nay trở nên dữ dội hơn.

Ông Melvin đưa ra vì dụ: tất cả các điện thoại di động của chúng ta rất có thể đều chứa các khoáng sản từ Congo và đúng là ở Cộng hòa Dân chủ Congo hiện nay, bạo động liên quan đến các hoạt động khai khoáng đang dẫn đến bạo động trên toàn quốc. Ông Melvin cũng lưu ý vai trò của dầu hỏa trong những căng thẳng tại Soudan hay tại Libya, nơi mà vàng đen đang góp phần gây ra nội chiến.

Nhu cầu tiêu thụ tăng vọt trên thế giới, đặc biệt là của hai nước khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc, đã khiến cuộc tranh đua tìm các nguồn tài nguyên thêm sôi động, kể cả ở vùng Bắc Cực, đồng thời khiến cho giá cả tăng cao, đặc biệt là thực phẩm. Ông Melvin tiên đoán là từ đây đến năm 2020, giá lương thực có thể tăng gấp đôi. Nên nhớ rằng các vụ bạo động tại các nước như Tunisia hay Ai Cập, dẫn đến phong trào Mùa Xuân Ả Rập phần lớn là biểu tình phản đối giá lương thực tăng cao, khiến dân nghèo càng thêm đói rách.

Còn tại Libya, sở dĩ Trung Quốc và Nga đang tiếp xúc với phe nổi dậy chính là vì hai nước này đang muốn giữ phần tại quốc gia xuất khẩu dầu hỏa đứng hàng thứ 9 thế giới, bởi vì Bắc Kinh và Matxcơva thấy rằng đại tá Kadhafi sẽ không còn bám trụ được lâu nữa, trước áp lực về ngoại giao và quân sự của quốc tế.

Cũng chính do cơn khát nhiên liệu mà Trung Quốc nay tỏ ra ngang ngược hơn trên Biển Đông và vụ đụng độ với tàu Bình Minh 02 ngày 26/5 là chuyện tất yếu, bởi lẽ Bắc Kinh gần như muốn độc quyền thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng Biển Đông, kể cả trong thểm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Không có nhận xét nào: