3/3/11

Áp lực của dư luận đã khiến Quốc hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc


Ảnh: SNCF
Thanh Phương 21/6/2010

Một bất ngờ đã xảy ra trong kỳ họp Quốc hội Việt Nam vừa qua, hôm thứ bảy tuần trước, trong một cuộc bỏ phiếu kín, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam do chính phủ đề nghị. Kết quả này phần lớn chính là do áp lực của dư luận, sau khi nhiều chuyên gia, nhiều học giả, nhiều nhà kinh tế đã cực lực phản đối một dự án vừa tốn kém, vừa không cần thiết và sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần cho Việt Nam.

Cho tới nay, Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với hơn 90% là đảng viên, vẫn bị xem là một thứ bù nhìn, các đại biểu chỉ là những ông “nghị ngật”, chỉ biết thông qua những gì mà Bộ Chính trị đã quyết định sẳn. Trên vấn đề dự án đường sắt cao tốc, mặc dù đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi ở Quốc hội, kẻ chống người bênh, nhưng cho tới giờ chót, ai cũng nghĩ rằng, mọi chuyện rồi cũng sẽ vẫn như củ, các đại biểu sẽ lại bấm nút thông qua. Nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu kín hôm thứ bảy lại cho thấy là chỉ có 37,53 % tán thành, trong khi có đến 42,19% bỏ phiếu chống dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, tức là dự án bị Quốc hội bác bỏ.

Trả lời phỏng vấn RFI hôm qua, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người điều hành trang Bauxite Việt Nam bày tỏ cảm xúc vui mừng của ông về sự kiện này.

Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trong việc Quốc hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc, báo chí đã đóng vai trò quan trọng, mà không chỉ báo chí chính thức, còn được gọi là báo chí lề phải, mà cả những báo lề trái, tức là những trang thông tin trên mạng, nơi mà theo ông, mới cung cấp đúng sự thật. Nhưng giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhấn mạnh, thật ra, đó là hậu quả của sự tích tụ một loạt những vấn đề từ bauxite Tây Nguyên, biển Đông, đến vụ bán rừng cho Trung Quốc, đã tác động đến suy nghĩ của người dân, gây nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong xã hội.

Khi trả lời phỏng vấn RFI vào thứ 5 tuần trước, tức là trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những nhà kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, đã vẫn nghĩ là dự án chắc là sẽ được thông qua như những lần trước, nhưng dẫu sao, theo ông, các cuộc thảo luận công khai cũng đã giúp mọi người hiểu rõ được những lý do vì sao không thể chấp nhận dự án đường sắt cao tốc.

Nhưng sau những giây phút vui mừng vì thấy Quốc hội đã dám bác bỏ một dự án lớn đã được quyết định trước, giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng đặt những nghi vấn về sự kiện này, tự hỏi phải chăng đây là một sách lược của ban lãnh đạo Đảng, tạm lùi một bước để lại tiến một bước chắc chắn hơn ?

Tuy vậy, nếu nhìn vấn đề một cách lạc quan thì theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, do những người lãnh đạo Việt Nam ngày càng mất đi điều mà ông gọi là “thế chính nghĩa”, những tiếng nói chân chính ngày càng được cất cao lên, tạo điền kiện cho sự hình thành một xã hội dân sự ở Việt Nam.


Không có nhận xét nào: