8/3/11

Lập vùng cấm bay hay cấp vũ khí cho đối lập Libya : 2 giải pháp đều gặp trở ngại

Phòng không của quân nổi dậy tại thành phố Ras Lanuf, 07/03/2011.
Phòng không của quân nổi dậy tại thành phố Ras Lanuf, 07/03/2011.
REUTERS/Asmaa Waguih
Thanh Phương8/3/2011
 
Trước đà phản công ngày càng dữ dội của quân Kadhafi, phương Tây đang nỗ lực tìm cách trợ giúp lực lượng nổi dậy ở Libya. Nhưng cả hai phương án : lập vùng cấm bay hay cung cấp vũ khí cho phe đối lập, đều gặp nhiều khó khăn.

Pháp và Anh hiện đang phối hợp chuẩn bị một dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngay từ tuần này, về việc lập một vùng cấm bay ở Libya để ngăn không cho quân Kadhafi tiếp tục oanh tạc vào quân nổi dậy.

Trước hết, về mặt kỹ thuật, NATO có đầy đủ phương tiện để bảo đảm một vùng cấm bay trên không phận Libya, vì khối này có thể sử dụng nhiều máy bay và căn cứ ở Địa Trung Hải. Hiện giờ, trở ngại ở đây chính là về mặt chính trị và quân sự.

Cả ba nước Pháp, Anh và Đức đều nhấn mạnh là, một vùng cấm bay chỉ có thể được thiết lập trong khuôn khổ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và phải được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong khu vực. Hiện giờ, kế hoạch lập vùng cấm bay đã nhận được sự đồng tình của Liên đoàn Ả Rập, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Hội đồng các nước vùng Vịnh.

Nhưng cho đến nay, ngay cả Hoa Kỳ cũng chưa dứt khoát chọn phương án nào. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc, 2 trong số 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, chưa chắc đã ủng hộ giải pháp lập vùng cấm bay. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm qua đã tuyên bố: « Chúng tôi không nghĩ rằng sự can thiệp của nước ngoài, nhất là can thiệp quân sự, có thể giúp giải quyết khủng hoảng ở Libya. Người Libya phải tự giải quyết các vấn đề của họ ». Nói chung, cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều không muốn thấy lực lượng quân sự phương Tây can thiệp vào bất cứ nơi nào, vì sợ rằng điều này sẽ trở thành một tiền lệ.

Mặt khác, theo các chuyên gia quân sự, muốn có hiệu quả, việc thiết lập một vùng cấm bay đòi hỏi phải tiêu diệt hệ thống phòng không của Libya. Câu hỏi đặt ra là, phương Tây có sẵn sàng mở các cuộc oanh tạc vào nước này hay không ? Nếu có, thì trên một lãnh thổ mênh mông như Libya, không dễ gì mà tiêu diệt hết các dàn súng phòng không và như vậy máy bay của khối NATO sẽ gặp nhiều hiểm nguy.

Hơn nữa, theo một số chuyên gia, trong các đợt phản công vào quân nổi dậy, chưa hẳn là không quân Libya đóng vai trò quyết định. Nói cách khác, lập vùng cấm bay có thể không giúp được nhiều cho phe chống Kadhafi. Thành ra, tốt hơn là nên cung cấp vũ khí, pháo hạng nặng và xe tăng cho quân nổi dậy, như yêu cầu của một số chính khách có thế lực, thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Hoa Kỳ.

Hôm qua, phát ngôn viên Nhà trắng cho biết trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Libya là một « khả năng » đang được nghiên cứu, nhưng hiện giờ, còn « quá sớm » để thực hiện phương án này. Hơn nữa, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Libya sẽ bị xem là trái pháp luật đối với Hoa Kỳ, vì như vậy là vi phạm lệnh cấm vận mà Liên hiệp quốc vừa ban hành vào tuần trước.

Hiện giờ, Hoa Kỳ đang tìm cách tiếp xúc với phe nổi dậy ở Libya để tìm hiểu về các tổ chức, các cá nhân trong phe này, cũng như để biết rõ là họ thật sự muốn gì, trước khi quyết định có nên giúp vũ khí hay không.


Ngày thứ năm tới, 10/3/11, các bộ trưởng Quốc phòng khối NATO sẽ họp lại ở Bruxelles để bàn về tình hình Libya. Hôm qua, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương, Anders Fogh Rasmussen, xác nhận là khối này sẽ xem xét mọi kịch bản để sẳn sàng hành động, nhưng ông nói rõ là, NATO sẽ không can thiệp vào Libya nếu không có sự ủy nhiệm của Liên hiệp quốc.

Không có nhận xét nào: