Một đoàn Shinkansen (tàu cao tốc) Nhật Bản đi ngang qua núi Phú Sĩ
(DR)
Đường sắt cao tốc chính là dự án do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra và dự án đã bị Quốc hội bác bỏ, có lẽ là vì Bộ Chính trị chưa đồng ý với nhau về dự án này.
Việt Nam đã từng bày tỏ ý định xây dựng đường sắt cao tốc Bắc- Nam, bằng cách sử dụng công nghệ đường sắt cao tốc shinkansen của Nhật, được Việt Nam cho là rất an toàn và đúng giờ. Với đường sắt cao tốc dài 1.600 km, đi từ Hà Nội vào Sài Gòn sẽ chỉ mất 5 tiếng rưỡi, so với hơn 30 tiếng như hiện nay.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành nghiên cứu sơ bộ trong khuôn khổ cuộc điều tra tổng thể về hệ thống giao thông của Việt Nam. Cơ quan này đã kết luận rằng dự án đường sắt cao tốc là khả thi về mặt kinh tế, với điều kiện là nó được đưa vào hoạt động kể từ năm 2036 và việc phát triển đô thị tại những vùng dọc theo tuyến đường sắt này được đẩy nhanh.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng đã cho biết ông hy vọng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản sắp tới đây sẽ bắt đầu tiến hành nghiên cứu khả thi về hai đoạn ưu tiên của đường sắt cao tốc để làm cơ sở cho việc lập dự án. Kết quả nghiên cứu khả thi này sẽ là cơ sở để chính phủ Tokyo quyết định có mở rộng các khoản vay bằng đồng yen cho dự án này hay không.
Nhưng Kyodo trích lời ông Shuji Eguchi, một quan chức tại Vụ đường sắt của Bộ Giao thông Nhật Bản, tuyên bố là chính phủ Tokyo hiện chưa chính thức quyết định về việc bắt đầu nghiên cứu khả thi vì nghĩ rằng không nên vội vã đối với một dự án dài hạn như đường sắt cao tốc Việt Nam.
Theo Kyodo, mặc dù chính phủ Nhật gần đây đã đặt trọng tâm vào việc xuất khẩu các hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có công nghệ đường sắt cao tốc shinkansen, để qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng Nhật Bản không hấp tấp với dự án của Việt Nam. Kyodo trích lời quan chức Bộ Giao thông Nhật Shuji Eguchi nói rằng : « Chúng tôi cần phải tiếp cận theo từng bước. Hệ thống đường sắt của Việt Nam chưa phải là đường sắt được điện khí hóa. Để nhảy từ giai đoạn hiện nay lên đường sắt cao tốc shinkansen, Việt Nam cần phải đào tạo nhân sự và ban hành những luật lệ quy định cần thiết ». Theo lời quan chức này, hệ thống đường sắt cao tốc phải tách biệt khỏi đường sắt hiện tại, chứ không thể nhập chung.
Ông Eguchi nói thêm là người dân Việt Nam trước hết nên làm quen với « văn hóa đường sắt », sau khi hệ thống xe lửa nội đô sắp tới đây sẽ được đưa vào hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn. Tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam này, người dân vẫn còn thói quen di chuyển bằng xe gắn máy hơn là sử dụng các phương tiện công cộng.
Hãng tin Kyodo trích lời ông Toshio Nagase, đại diện cao cấp của văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội nói rằng hiện giờ không có nhiều người sử dụng hệ thống đường sắt cho các chuyến đi xa, nhưng ông tin là có nhu cầu đáng kể về xe lửa cao tốc. Lý do theo ông Nagase là hiện giờ, di chuyển bằng xe buýt trên các đường tốc hành ở Việt Nam rất nguy hiểm, do tình trạng đường xá rất xấu, và hiện cũng còn rất ít người có xe hơi riêng, cho nên phần lớn người ta vẫn sử dụng máy bay để di chuyển giữa Hà Nội và Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét