Thủy thủ Mỹ trên chiến hạm USS John S. McCain hướng dẫn kỹ thuật cứu nạn cho Hải quân Việt Nam. Ảnh chụp ngày 11/08/2010
U.S. Navy / Brock A. Taylor
Nhưng sự can dự với Việt Nam mà chuyến viếng thăm muốn biểu hiện còn có mục đích xa hơn là một cuộc biểu dương lực lượng -Washington muốn vượt qua khỏi tính chất biểu tượng để thiết lập một đối tác chiến lược thật sự, mà nền tảng của mối quan hệ này chính là hiệp định hợp tác hạt nhân Mỹ-Việt.
Không có gì đáng ngạc nhiên, hiệp định nói trên đã gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc và các nước chủ trương không phổ biến hạt nhân, vì họ thấy rằng hiệp định ký với Việt Nam không theo những tiêu chuẩn được quy định trong các hiệp định khác ký với những quốc gia hạt nhân đang trỗi dậy, như Liên hiệp các Tiểu Vương Quốc Ảrập.
Đáng chú ý nhất là Việt Nam sẽ không buộc phải từ bỏ việc thực hiện các hoạt động tái chế năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ của mình, như Liên hiệp các Tiểu Vương Quốc Ảrập đã phải làm. Điều này có nghĩa là Việt Nam, ít ra là về mặt lý thuyết, có thể xây dựng các nhà máy làm giàu và tái xử lý uranium ( ENR ) trên lãnh thổ của mình. Dĩ nhiên hiệp định này không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ chuyển giao công nghệ ENR cho Việt Nam hoặc là Việt Nam sẽ vội vã xây dựng những nhà máy đó. Như ông Vương Hữu Tấn, chủ tịch Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã nói : « Việt Nam không hề có ý định làm giàu chất uranium trong lúc này vì đây là một công nghệ rất tốn kém và rất nhạy cảm. »
( . . . )
Với hoạt động công nghiệp ở miền Bắc đang phát triển mạnh, Việt Nam đã buộc phải thăm dò khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân như là một phương cách « sạch » để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện. Nhưng hiệp định ký với Hoa Kỳ có vẻ là sẽ không dừng lại ở chuyện hợp tác hạt nhân. Như ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói trong chuyến viếng thăm ở Hà Nội vào tháng 7 vừa qua : « Quan hệ giữa hai nước sẽ được nâng lên một nấc mới ».
Có thể hiểu câu nói đó như thế nào ? Chắc chắn là các công ty Mỹ sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong việc phát triển công nghiệp của Việt Nam và như vậy thì sẽ cần phải có một hiệp định rộng hơn hiệp định mà Washington ký với những nước khác.
Chẳng hạn như một số công nghệ được Bộ Ngoại giao Mỹ xếp là có thể dùng cho cả hai mục đích quân sự và dân sự, nhưng sẽ được yêu cầu cung cấp nếu Hà Nội muốn khai thác các nguồn dầu khí ngoài khơi. Khác với ở Trung Đông, các tập đoàn dầu khí của Mỹ hiện chưa đầu tư nhiều vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam và một hiệp định có tính chất hạn chế quá nhiều sẽ gây tác hại đến khả năng cạnh tranh của các tập đoàn này.
Những khác biệt như thế có nghĩa là hiệp định ký với Việt Nam giống với hiệp định ký với Ấn Độ hơn là với Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ảrập, (. . . ).
Thế thì tại sao Hoa Kỳ lại quan tâm đến việc ký với Việt Nam một hiệp định tương tự như với Ấn Độ ? Đó là Trung Quốc.
Là láng giềng luôn ngán ngại của Trung Quốc, Việt Nam có thể là đối tác của Mỹ trong mọi nỗ lực nhằm kềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Với truyền thống lâu dài về hàng hải và với những thành tích về quân sự ( Việt Nam đã từng đánh bại Pháp, Mỹ và Trung Quốc ), cộng thêm một lực lượng vũ trang có quy mô đáng kể, Việt Nam có tiềm năng của một đồng minh thiết yếu mỗi khi bùng nổ xung đột trong khu vực.
Vậy thì, sau hợp tác hạt nhân sẽ là vũ khí của Mỹ ? Dĩ nhiên là Việt Nam sẽ không thay thế toàn bộ vũ khí thời Liên Xô bằng vũ khí Mỹ. Nhưng trong khuôn khổ một quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ hơn, Việt Nam chắc chắn sẽ muốn tiếp nhận những công nghệ giúp nước này hạn chế một số lợi thế mà lực lượng hùng hậu hơn của Trung Quốc đang nắm. Ấy là chưa kể, cũng gìống như với Ấn Độ, Việt Nam muốn có các nguồn cung cấp vũ khí đa dạng hơn.
( . . . ) Dầu gì đi nữa thì vũ khí hạt nhân cũng sẽ chẳng giúp thêm gì cho việc bảo vệ an ninh của Vìệt Nam ở Biển Đông đối với Trung Quốc, bởi vì nếu như vũ khí nguyên tử có thể giúp Việt Nam được lợi thế trên bộ, thì chính trên Biển Đông mới cần có những hành động thật sự.
Tuy vậy, Việt Nam có hai lý do để đòi được quyền làm giàu chất uranium trên lãnh thổ của mình.
Thứ nhất là nước này phải nghĩ đến tương lai, tức là có thể chương trình hạt nhân của Việt Nam sẽ phát triển đến mức mà họ cảm thấy cần phải tự sản xuất nhiên liệu thay vì nhập nhiên liệu.
Lý do thứ hai : Có thể Việt Nam nay nghĩ rằng cách tốt nhất để tuần tra bảo vệ các giếng dầu ngoài khơi là trang bị một tàu ngầm hạt nhân ( Brazil cũng đã có suy nghĩ tương tự ). Nhiên liệu cho một hoặc hai tàu ngầm hạt nhân sẽ không cần được sản xuất với quy mô công nghiệp và cũng là điều dễ hiểu nếu Việt Nam muốn bảo đảm sự độc lập cho một tài sản có tính chất an ninh quốc gia như vậy.
Chắc chắn Việt Nam nay rất quan tâm đến việc tăng cường lực lượng trên biển. Nước này đã đầu tư đáng kể cho khả năng phòng thủ ở đáy biển, chẳng hạn như qua việc đặt mua sáu tàu ngầm hạng six kilo của Nga. Tuy nhiên, những tàu ngầm chạy bằng điện diesel này, nếu như rất hiệu quả trong những chiến dịch tuần tra ven biển, chúng lại không có khả năng bảo vệ những tài sản ở biển sâu như các dàn khoan dầu.
Cả hai nước Pháp và Nga đều đã có mặt trong thị trường tàu ngầm hạng này và cả hai đều có quan hệ truyền thống với Việt Nam, một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đối với Hải quân Việt Nam được coi là một khả năng có thể thực hiện được. ( Thật vậy, mua một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ là một sự đầu tư có lợi hơn là vũ khí nguyên tử ).
Điều khá mỉa mai ở đây là trước kia Trung Quốc đã được Hoa Kỳ tiếp sức để làm đối trọng với Liên Xô, một phần là thông qua các hợp tác công nghiệp và chuyển giao công nghệ, giống như những gì đang làm, ở cấp độ khác nhau, với các quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét