6/3/11

Việt Nam đẩy mạnh trở lại tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước

Một phi cơ của Vietnam Airlines tại phi trường Roissy - Paris. Ảnh chụp tháng 5/2010.
Một phi cơ của Vietnam Airlines tại phi trường Roissy - Paris. Ảnh chụp tháng 5/2010.
Trọng Nghĩa/RFI
Thanh Phương 7/2/2011
 
Vào tháng trước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam ( Vietnam Airlines ) vừa cho biết sắp khởi động lại kế hoạch cổ phần hóa đã bị trì hoãn từ mấy năm qua. Kế hoạch cổ phần hóa một phần Vietnam Airlines đã được chính phủ Việt Nam thông qua từ năm 2008, nhưng đã bị hoãn lại do khủng hoảng tài chính toàn cầu và cũng do thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống.

Trên tờ Financial Times số đề ngày 16/1, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết là họ đang chờ thời điểm tốt nhất để bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ( IPO ) và cũng xem thị trường phản ứng như thế nào về việc hãng hàng không quốc gia Indonesia, Garuda, sắp tới đây sẽ bán cổ phiếu, để từ đó rút kinh nghiệm.

Trước đó, đầu tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa đồng ý cổ phần hóa công ty mẹ của Tổng công ty Thép Việt Nam ( VNSTEEL ) và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex ).
Như vậy là một loạt các công ty lớn của Nhà nước ở Việt Nam sẽ được cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của Financial Times, mặc dù nhu cầu đi lại bằng hàng không tăng trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khởi sắc trở lại, nhưng việc bán cổ phần các công ty nói trên sẽ gặp nhiều thách thức mới, đó là kinh tế vĩ mô bất ổn định và các nhà đầu tư ít dám lấy rũi ro hơn, đặc biệt là do vụ tập đoàn Vinashin gần đây không trả được nợ đáo hạn, vì đang trong tình trạng gần như phá sản.

Chính do vụ này mà các công ty xếp hạng tín nhiệm vào năm ngoái đã hạ điểm của Việt Nam, hậu quả là tháng trước, hai công ty Nhà nước PetroVietnam và Vinacomin đã không thể hoàn tất việc phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Theo các nhà kinh tế, tình trạng hiện nay chính là do trong nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ cho những công ty quốc doanh làm ăn thiếu hiệu quả, nhưng vẫn ngốn rất nhiều vốn Nhà nước. Tình trạng gần như phá sản của Vinashin buộc chính phủ Hà Nội phải đẩy mạnh việc cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Tờ Financial Times trích lời ông Andy Ho, giám đốc điều hành của VinaCapital, một quỹ tín dụng đã đầu tư vào các công ty cổ phần hóa ở Việt Nam, nhận định rằng: “ Giá như Vinashin được tư nhân hóa cách đây 4 hoặc 5 năm thì tình hình hiện nay đã không như thế”.

Tờ báo cũng trích lời tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng tiến trình tư nhân hóa là rất quan trọng ở Việt Nam vì rất nhiều lý do: các cổ đông sẽ giám sát chặt chẽ việc điều hành công ty của ban quản trị, công nhân sẽ nỗ lực làm việc vì sự thành bại của công ty. Với việc kiểm toán và báo cáo tài chính công khai, ban quản trị phải có kỷ luật trong việc điều hành công ty.

Tờ Financial Times nhắc lại rằng, ngoài việc bán cổ phẩn cho công chúng, các doanh nghiệp Nhà nước đã từng được cổ phần hóa một phần như Bảo Việt hay Vietinbank đã được hưởng lợi từ việc thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc. Chẳng hạn như ngân hàng Hồng Kông HSBC, hiện nắm 18% vốn của Bảo Việt, đã cung cấp cho đối tác Việt Nam một số cán bộ quản lý trung và cao cấp và giúp Bảo Việt cải tiến hiệu quả của công ty, thông qua việc quản lý rũi ro tốt hơn và các hệ thống công nghệ thông tin.

 Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Quang A cảnh báo rằng, cổ phần hóa chỉ là một phần của cải tổ doanh nghiệp Nhà nước, vì theo ông Việt Nam còn phải xóa bỏ mọi độc quyền và để các công ty cạnh tranh một cách lành mạnh trên thị trường.

Đây cũng là ý kiến của ông Jonathan Pincus, trưởng nhóm kinh tế gia của Đại học Havard, hiện giảng dạy tại Sài Gòn. Ông Pincus nói rằng: “ Bán cổ phần của Vietnam Airlines vẫn chưa đủ, mà còn phải để cho các hãng hàng không khác được cạnh tranh, bằng cách xóa bỏ độc quyền của Vietnam Airlines về nhiên liệu và các dịch vụ sân bay khác”.

Nhưng theo Financial Times, chính phủ Việt Nam, vốn vẫn tin rằng khu vực kinh tế Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo, chắc là sẽ tiến hành một cách thận trọng. Cũng theo tờ báo Anh, ngoài việc nắm đa số vốn trong các công ty cổ phần hóa, chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát các công ty này thông qua việc điều hòa cơ chế giá và buộc nhiều công ty bán sản phẩm với giá thấp, cho dù đó là ghế máy bay, dầu hỏa hay điện. Nhưng theo Financial Times, để thu hút thêm các nhà đầu tư, chính phủ Hà Nội cần phải từ bỏ chính sách ấy.

Trả lời phỏng vấn RFI vào tuần trước, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc công ty tư vấn đầu tư Invest Consult Group, thì cho rằng chính phủ Việt Nam bắt buộc phải cổ phần hóa các công ty lớn để Nhà nước san sẻ gánh nặng tài chính cho tư nhân.

Không có nhận xét nào: