5/3/11

Nhân quyền tại Việt Nam lại gây sự chú ý của quốc tế

Việt kiều tại California, Hoa Kỳ ký thỉnh nguyện thư đòi các dân biểu Mỹ can thiệp, trong đêm thắp nến cho Cồn Dầu ngày 18/9/2010.
Việt kiều tại California, Hoa Kỳ ký thỉnh nguyện thư đòi các dân biểu Mỹ can thiệp, trong đêm thắp nến cho Cồn Dầu ngày 18/9/2010.
Nguon: nuvuongcongly.net
Thanh Phương 28/10/2011
 
Vào lúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Hà Nội, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam lại thu hút sự chú ý của quốc tế sau một loạt các vụ bắt giữ các blogger và kết án các giáo dân, các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân.

Trước hết, bản án dành cho 6 giáo dân ở Cồn Dầu trong phiên tòa ngày hôm qua 27/10 đã gây nhiều phản ứng của quốc tế, đặc biệt là từ phía Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ. Ngay trước phiên xử, trong một thông cáo đề ngày 26/10, Ủy hội này đã yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các giáo dân kể trên. Bản thông cáo lên án việc chính quyền Việt Nam sử dụng các biện pháp hù dọa và dùng bạo lực để buộc người dân Cồn Dầu bán đất đai của họ. Ủy hội còn yêu cầu phải điều tra về những lời tố cáo công an tra tấn tù nhân, dẫn đến cái chết của một người dân Cồn Dầu.

Cũng ngay trước phiên xử 6 giáo dân Cồn Dầu, một số dân biểu Hoa Kỳ đã viết thư kêu gọi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng can thiệp trong vụ này để tránh gây khó khăn cho quan hệ Mỹ-Việt.

Nhưng mặc dù có những lời kêu gọi như trên, Tòa án quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng vẫn tuyên án tù giam hoặc tù treo 6 giáo dân Cồn Dầu. Cho nên, Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm nay đã ra thông cáo bày tỏ mối quan ngại về việc tuyên án các giáo dân này, cho rằng vụ xử là “ trái ngược với những cam kết của Việt Nam tôn trọng các chuẩn mực được quốc tế công nhân về nhân quyền”, cũng giống như các vụ tuyên án các nhà hoạt động bảo vệ người lao động và vụ bắt giữ các blogger.

Ba nhà đấu tranh cho quyền lợi công nhân Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị tuyên án từ 7 đến 9 năm tù trong phiên xử ngày 26/10 với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”, theo điều 89 Bộ Luật Hình sự. Cũng trong ngày hôm đó, báo chí Việt Nam loan tin là nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, tức blogger Cô Gái Đồ Long, đã bị bắt vào cuối tuần qua, với tội danh “vu khống”, dường như là vì trong một bài viết trên blog, cô đã đề cập đến Nguyễn Khánh Trọng, con trai Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Việt Nam.

Nhưng trước Cô Gái Đồ Long, một blogger khác là Anh Ba Sài Gòn, tức Phan Thanh Hải, cũng đã bị bắt giam ngày 18/10, trong khi blogger Điếu Cày tuy mãn hạn tù ngày 19/10, nhưng không những đã không được tự do mà còn bị giam tiếp với một tội danh khác.

Trước những vụ nói trên, một loạt các tổ chức nhân quyền từ Human Rights Watch, Ủy ban Bảo vệ nhà báo, cho đến Ân xá Quốc tế và Phóng viên không biên giới đã đồng loạt ra thông cáo lên án Việt Nam và yêu cầu thả những người đã bị bắt hoặc bị kết án. Đối với Ân xá Quốc tế, những vụ bắt giữ ngày càng nhiều các nhà hoạt động dân chủ và các blogger “ vẽ nên bức tranh ngày càng đen tối về tự do ngôn luận và tự do lập hội ở Việt Nam”.

Nhưng chưa hết, hôm nay lại có tin là một nhà hoạt động dân chủ, ông Vi Đức Hồi vừa bị bắt hôm qua ở tỉnh Lạng Sơn, với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước.

Đặt chân đến Việt Nam ngày mai để dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillarty Clinton đã được kêu gọi đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam khi hội đàm với các lãnh đạo chế độ Hà Nội. Riêng tổ chức Human Rights Watch còn yêu cầu lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác, nhân hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, bày tỏ quan ngại về việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào: