Ngày thứ sáu tuần trước, 7/5, thánh lễ đón chào Đức tân Tổng giám mục phó Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn đã được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa. Rất đông giáo dân đã đến dự thánh lễ này, nhưng nhiều người trong số họ đến để tôn vinh Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, hơn là để hoan nghênh người sẽ kế vị Ngài.
Trong diễn từ chúc mừng nhân thánh lễ ngày hôm ấy, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhìn nhận rằng việc bổ nhiệm Đức cha Nhơn làm Tổng giám mục phó Hà Nội « đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Tòa Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hóa, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo hội Việt Nam và cách riêng cho Tổng giáo phận Hà Nội »
Nhưng Đức cha Linh cho rằng từ sự kiện đó, cũng có thể rút ra một số kết luận tích cực, mà điểm tích cực đầu tiên là « mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại ».
Chữ hiện đại ở đây, phải được hiểu theo nghĩa là những thông tin trên mạng, dã lan truyền rất rộng rãi kể từ khi có tin Đức cha Nhơn sẽ làm Tổng giám mục phó với quyền kế vị Đức cha Kiệt. Rất nhiều bài chỉ trích gay gắt Hội đồng Giám mục và Vatican. Thực hư thế nào rất khó biết, nhất là vì tiến trình bổ nhiệm Giám mục bao giờ cũng được Tòa Thánh thực hiện âm thầm, kín đáo.
Trong bài phỏng vấn với ban biên tập trang Web Hội đồng Giám mục đăng ngày 22/4, tức là đúng vào ngày mà Tòa Thánh ra thông báo bổ nhiệm Đức cha Nhơn, Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lưu ý giới truyền thông Công giáo rằng : « Mới chỉ suy đoán mà đã cho là sự thật thì đã vượt qua một khoảng cách thiếu an toàn. Nhất là dùng suy đoán để đi đến những kết luận mang tính kết án thì thật là tai hại ». Cũng trong bài phỏng vấn này, Đức cha Kiệt đã khẳng định là Ngài không bị áp lực nào hết, ngoài áp lực của lương tâm trách nhiệm và chỉ xin Tòa Thánh cho nghỉ vì sức khỏe sa sút.
Nhưng từ đó cho đến nay, những mối nghi ngờ, những sự bất mãn của nhiều giáo dân Hà Nội vẫn chưa được giải tỏa hết, nhất là bởi vì họ rất tôn sùng Đức cha Kiệt. Mặc dù Tòa Tổng giám mục đã kêu gọi là « đừng mang những gì không cần thiết cho thánh lễ », nhưng khi đến dự thánh lễ đón chào Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Nhơn, rất nhiều giáo dân đã mang theo các biểu ngữ vinh danh Đức cha Kiệt - một hình thức phản đối quyết định bổ nhiệm Đức cha Nhơn làm Tổng giám mục phó, như lời kể của bà Nguyễn Thanh Mai, một giáo dân giáo xứ Hàm Long, đã dự thánh lễ hôm đó, khi trả lời RFI ngày thứ sáu.
Những nghi vấn vẫn dai dẳng bởi lẽ trước hết, tuy việc bổ nhiệm giám mục là do Tòa Thánh quyết định, nhưng trên thực tế, coi như phải có sự chấp nhận của chính phủ. Như để khẳng định điều này, Thông tấn xã Việt Nam trong bản tin đề ngày 7/5 và sau đó được các báo khác đăng lại, viết rằng : « Theo ban Tôn giáo chính phủ, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ngày 22/4, Giáo hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Hà Nội với quyền kế vị ».
Điểm thứ hai, chính quyền thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung, đã không hề che giấu ý muốn đẩy Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi chức vụ này, kể từ khi Ngài mạnh mẽ lên tiếng đòi công lý và sự thật trong các vụ tranh chấp về đất đai giữa Giáo hội với Nhà nước Việt Nam. Trong bối cảnh mà Vatican và Việt Nam đang cố gắng cải thiện quan hệ để tiến tới thiết lập bang giao, nhiều người tin rằng Đức Cha Kiệt đã bị Toà Thánh « hy sinh » cho mục tiêu đó. Nhiều giáo dân như bà Nguyễn Thanh Mai vẫn không ngớt đặt nghi vấn về lý do bổ nhiệm Đức Cha Nhơn.
Sở dĩ giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội khó chấp nhận có một người thay thế Đức cha Ngô Quang Kiệt là vì họ không muốn mất đi một vị mục tử đã can đảm cất lên tiếng nói đòi tự do và công lý cho Giáo hội Công giáo miền Bắc, như điều mà bà Thanh Mai nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phong Thắng, một giáo dân ở Nam Định cũng chia sẻ suy nghĩ nói trên và ông còn khẳng định là Đức cha Kiệt không chỉ là người hùng của giáo dân Hà Nội, mà còn nhận được sự ủng hộ của dư luận bên ngoài, nhất là giới trí thức.
Ánh hào quang của Đức cha Kiệt quá lớn, cho nên có lẽ là Đức cha Nhơn, tới tư cách người sẽ lên làm Tổng giám mục, đang trong tình thế đặc biệt khó khăn, nhất là vì nhiều giáo dân muốn Ngài cũng phải « đồng sinh đồng tử » với họ như Đức Cha Kiệt, như lời của bà Thanh Mai.
Đối với ông Nguyễn Phong Thắng thì tin tưởng là với thời gian, giáo dân sẽ bớt nghi ngại vị Tổng giám mục mới; và Đức Cha Nhơn cũng sẽ phải tiếp nối sự nghiệp của Đức Cha Kiệt, đã xây dựng Tổng giáo phận Hà Nội thành một khối thống nhất, đồng tâm nhất trí.
Nhưng dù gì đi nữa thì những thay đổi nhân sự ở Tòa Tổng Giám mục Hà Nội rõ ràng là đã khoét sâu sự cách biệt giữa một bộ giáo dân và tu sĩ với các vị « mục tử », tức là các vị lãnh đạo Giáo hội. Trong những vụ đấu tranh đòi lại đất đai, tài sản, bảo vệ nơi thờ tự và nói chung là đòi quyền tự do tôn giáo, nhiều giáo dân muốn là các vị giám mục cũng phải đứng mũi chịu sào, đồng sinh đồng tử với họ, giống như Đức Cha Kiệt đã làm.
Trong bức thư gởi giáo dân đề ngày 6/5, lên án vụ chính quyền đàn áp giáo dân ở Cồn Dầu, Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng đã nhấn mạnh rằng : « Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội, Anh Chị Em giáo dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các Ngài có cách thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các Ngài. Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến đâu. Hãy kính trọng và lắng nghe tiếng nói của các mục tử ».
Nhưng đối với các con chiên Tổng giáo phận Hà Nội, khi nào mà những nghi vấn chung quanh việc bổ nhiệm Tổng giám mục phó chưa được giải tỏa, thì họ sẽ khó mà nghe theo tiếng nói của các vị mục tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét