5/3/11

Vị thế thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị suy yếu do vụ Vinashin

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh : Reuters)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh : Reuters)
Thanh Phương 3/11/2011
 
Sự kiện đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hay nói đúng hơn là bỏ phiếu bất tín nhiệm, các thành viên chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, nhất là vì đề nghị này rõ ràng là nhắm vào thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã bổ nhiệm chủ tịch Vinashin.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là người trực tiếp giám sát ông Nguyễn Thanh Bình. Ông Bình đã bị đình chỉ chức vụ vào tháng 7 vừa qua và sau đó bị bắt vì trách nhiệm của ông trong món nợ lên tới 4,5 tỷ đôla, khiến tập đoàn đi đến chổ gần như phá sản.

Không chỉ có ông Nguyễn Minh Thuyết, mà một số đại biểu khác cũng đã yêu cầu phải là rõ trách nhiệm của các thành viên chính phủ có liên quan đến vụ tai tiếng tài chính trầm trọng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Theo tờ Wall Street Journal, số ra ngày hôm qua, sự kiện nói trên cho thấy là vụ Vinashin bắt đầu làm suy yếu vị thế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đúng vào lúc sắp diễn ra Đại hội Đảng vào tháng Giêng năm tới.

Theo tờ báo này, vụ Vinashin cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không phải là một nhà quản lý kinh tế có năng lực và chính sách của ông nhằm tạo ra những tập đoàn kinh tế theo kiểu Vinashin đã thất bại. Ông Dũng đã tưởng rằng những tập đoàn do ông lập ra sẽ đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên giống như Hàn Quốc đã làm trước đây.

Có dấu hiệu bao che cho những sai trái của Vinashin

Vấn đề là những tập đoàn kinh tế theo kiểu này đã được thành lập một cách chính thức, nhưng lại hoạt động theo kiểu thí điểm và hoàn toàn không có một khuôn khồ pháp lý nào cả. Hơn thế nữa, nhiều tập đoàn của Nhà nước đã đua nhau đầu tư vào những ngành chẳng dính dáng gì đến lĩnh vực của họ, chẳng hạn như Tập đoàn Điện lực lại đầu tư rất nhiều vảo các mạng điện thoại di động, còn tập đoàn PetroVietnam, thì bỏ vốn vào những ngành như du lịch.

Trong vụ Vinsahin, dư luận còn đặt nhiều dấu hỏi về quan hệ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cựu chủ tịch Nguyễn Thanh Bình, người mà ông Dũng trực tiếp giám sát, nhưng lại để những sai phạm kéo dài như thế. Trong báo cáo gởi các đại biểu vào tháng trước, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã từng nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước".

Nhưng trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có báo cáo chi tiết về vụ Vinashin, mà chỉ nhìn nhận một cách chung chung rằng tình trạng của Vinashin là « nghiêm trọng ». Ông Dũng nhận trách nhiệm của chính phủ và cho biết thêm là chính phủ đã « nghiêm túc kiểm điểm » về vụ này.

Cho tới nay, chính phủ Việt Nam vẫn thường lấy lý cớ là do « làm thí điểm », nên mô hình tập đoàn chưa có hiệu quả và do « cơ chế », nên việc thanh tra, kiểm toán Vinashin chưa sâu sát, nhưng với đề nghị thành lập Uỷ ban điều tra về Vinashin và bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã đặt thẳng vấn đề về trách nhiệm cá nhân của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ này. Liệu Uỷ ban thường vụ Quốc hội có sẽ dám làm theo các đề nghị của ông Thuyết hay là còn phải chờ kết quả cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng trước kỳ Đại hội sắp tới ?

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết chưa sâu sắc. Phải mổ xẻ trách nhiệm của các thành viên chính phủ. Các sai phạm phải có người chịu trách nhiệm. Nếu không thì coi là không có tổ chức.