Đức Đạt Lai Lạt Ma
REUTERSĐã nhiều lần Đức Đạt Lai Lạt Ma, năm nay đã 75 tuổi, nhắc đến việc rời khỏi cương vị lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong, nhưng vẫn không từ bỏ vai trò lãnh đạo tinh thần.
Khi được chọn làm « quốc trưởng » vào năm 1950, sau khi quân cộng sản Trung Quốc chiếm Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ vừa tròn 15 tuổi. Ngài đã buộc phải chạy khỏi Trung Quốc sang tỵ nạn ở Dharamsala, Ấn Độ, sau thất bại của cuộc nổi dậy năm 1959 chống ách đô hộ Trung Quốc. Ngày 10/3 chính là ngày kỷ niệm cuộc nổi dậy bất thành này.
Hôm nay, Đức Lạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng : « Ngay từ những năm 1960, tôi vẫn luôn nói rằng Tây Tạng cần phải có một lãnh đạo do nhân dân bầu lên một cách tự do, để tôi có thể chuyển giao quyền hành. Nay đã đến lúc thực hiện điều này. ». Nhưng Ngài nhấn mạnh là sẽ không rút khỏi cuộc đấu tranh chính trị và sẽ vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò của Ngài « vì chính nghĩa của Tây Tạng ».
Được dân Tây Tạng tôn thờ, được phương Tây ngưỡng mộ, từ lâu Đức Lạt Lai Lạt Ma được cả thế giới xem như là biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tây Tạng và biểu tượng của các giá trị Phật giáo. Dù tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn chu du khắp thế giới để vận động cho chính nghĩa Tây Tạng.
Chủ thuyết đấu tranh bất bạo động cũng như những giáo huấn Phật giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa Ngài trở thành một nhân vật có tầm cỡ ngang hàng với Mahatma Ghandi hay Martin Luther King. Chính nhờ ánh hào quang luôn tỏa sáng của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà quốc tế tiếp tục chú ý đến số phận của dân tộc Tây Tạng, nhất là kể từ khi Ngài được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989.
Nhưng về phía Bắc Kinh thì xem Ngài như là một một kẻ ly khai nguy hiểm, cho dù Đức Đại Lạt Ma vẫn nói rõ là bây giờ Ngài chỉ mong cho Tây Tạng được tự trị về văn hóa, chứ không hoàn toàn độc lập với Trung Quốc. Vài giờ sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma loan báo ý định rời bỏ vai trò chính trị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố đây chỉ là một « mưu mẹo » để « đánh lừa cộng đồng quốc tế ».
Người ta vẫn sợ rằng, nếu chẳng may Đức Đạt Lạt Ma qua đời, người Tây Tạng sẽ không còn đoàn kết đấu tranh như hiện nay, mà sẽ bị phân hóa. Nên nhớ rằng trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong, đặc biệt là trong giới trẻ, vẫn tồn tại một xu hướng cực đoan hơn nhiều so với đường lối trung dung của Ngài.
Theo truyền thống, việc tìm một Đạt Lai Lạt Ma mới là do các vị Lạt Ma cao cấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng tiến hành, nhưng chính phủ Bắc Kinh gần đây nói rõ chính họ sẽ nắm quyền quyết định cuối cùng về việc chọn người tái sinh Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, sinh ra vào năm 1391.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét