Hôm qua, Human Rights Watch đã ra một thông báo, cho biết : "Việt Nam phát động một đợt tấn công tinh vi và kéo dài nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Chính quyền bắt giữ và đe dọa các blogger độc lập ở Việt Nam, bật đèn xanh cho các đợt tấn công vi tính từ Việt Nam để đánh sập các trang web có xu hướng chỉ trích chính quyền".
Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, "trong hai tháng vừa qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất bảy blogger độc lập. Họ đã phải chịu các đợt thẩm vấn kéo dài, và trong một số trường hợp, bị bạo hành. Sự gia tăng sách nhiễu này diễn ra đồng thời với các đợt tấn công vi tính có hệ thống nhằm vào các trang mạng do một số blogger và các nhà hoạt động điều hành từ Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Những đợt tấn công này đã được cả Google và McAfee, một tập đoàn nổi tiếng về an ninh mạng, xác nhận".
Bản thông cáo của Human Rights Watch viết “Chính quyền nhắm vào những người viết bài trên mạng Internet chỉ vì họ phát biểu ý kiến độc lập, phê bình các chính sách và công bố những việc làm sai trái của chính phủ. Rõ ràng chính phủ quan ngại rằng các blogger sẽ tiết lộ những chuyện nội bộ về tham nhũng và lạm quyền, cũng như đăng tải các tin tức và sự việc mà chính quyền không cho công bố trên các phương tiện thông tin do Nhà nước quản lý”.
Trong bản thông cáo, Human Righs Watch liệt kê một số sự kiện mới nhất về các vụ bắt giữ blogger ở Việt Nam, chẳng hạn như ngày 8/5 vừa qua, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã cắt dịch vụ điện thoại và Internet của ông Hà Sĩ Phu, một trong những blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Việt Nam.
Một blogger khác, bà Tạ Phong Tần, bị tạm giữ ít nhất ba lần trong tháng trước, lần gần đây nhất là vào ngày 9/5. Bà Tạ Phong Tần là cựu sĩ quan công an, viết blog về tham nhũng và bất công trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ngày 17/4, công an bắt giữ và thẩm vấn ông Phan Thanh Hải – blogger với bút danh AnhBaSG, người thường xuyên đưa tin về các vụ thu đất trái pháp luật, và ông Lê Trần Luật – luật sư biện hộ cho giáo dân Thái Hà ở Hà Nội trong vụ tranh chấp đất đai giữa Giáo hội với chính quyền. Cả hai người đều được thả sau vài tiếng bị thẩm vấn.
Mặc dù Việt Nam bác bỏ các cáo buộc của Google và McAfee, nhưng theo Human Rights Watch, kể từ tháng Chín năm 2009, các đợt tấn công gia tăng nhắm vào trên hai chục trang web và blog tiếng Việt, từ các trang web Công giáo chỉ trích chính quyền tịch thu đất đai của Giáo hội, đến các diễn đàn chính trị và trang mạng của các đảng đối lập, các trang mạng hoạt động vì môi trường, phản đối khai thác bauxite Tây Nguyên.
Human Rights Watch nhắc lại là các quan chức Việt Nam đã công khai thừa nhận việc chính quyền đóng cửa các trang mạng. Tại hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5/5, Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2 Bộ Công an, đã tuyên bố rằng Tổng cục đã “phá hủy được 300 trang web và blog cá nhân có nội dung xấu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét