12/3/11

Việt Nam vẫn nằm trong số 10 quốc gia bị coi là kẻ thù của Internet

Logo của Phóng viên không biên giới (RSF) nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt internet 12/03/2011.
Logo của Phóng viên không biên giới (RSF) nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt internet 12/03/2011.
Thanh Phương 12/3/2011
 
Hôm nay, 12/03/2011, nhân Ngày thế giới chống kiểm duyệt trên Internet, do Phóng viên không biên giới (RSF) phát động, tổ chức này đã công bố một báo cáo về tình hình tự do ngôn luận trên mạng. RSF nêu tên 10 nước bị xem là kẻ thù của Internet - trong đó có Việt Nam - và 16 nước nằm trong danh sách cần theo dõi, bao gồm cả nước Pháp.

Sau sự sụp đổ của các chế độ độc tài Ben Ali và Mubarak, hai nước Tunisia và Ai Cập đã được Phóng viên không biên giới rút khỏi danh sách các quốc gia kẻ thù Internet. Nhưng hai nước này vẫn nằm trong danh sách cần theo dõi bởi vì « các thành quả cách mạng cần được củng cố và các quyền tự do cần phải được bảo đảm ».

Trong danh sách cần theo dõi cũng có ba quốc gia dân chủ là Pháp, Úc và Hàn Quốc, vì những nước này đã đề ra những biện pháp có thể gây những hậu quả tiêu cực cho quyền tự do ngôn luận trên mạng.

Theo nhận định của Phóng viên không biên giới, trong năm 2010, các mạng xã hội và Internet nói chung, đã thật sự trở thành những công cụ huy động và chuyển tải thông tin. Nhưng Internet cũng có hai mặt lợi và hại. Trong những nước độc đoán nhất, Internet tạo ra một không gian tự do. Tiềm năng phổ biến rộng rãi các thông tin gây khó chịu cho những chế độ độc tài và vô hiệu hóa những phương pháp kiểm duyệt thông thường. Không chỉ được các nhà bất đồng chính kiến sử dụng, Internet cũng là công cụ để các chế độ độc đoán quảng bá những luận điểm tuyên truyền chính thức và tăng cường kiểm soát người dân.

Riêng Việt Nam năm nay vẫn nằm trong danh sách các quốc gia kẻ thù của Internet, cùng với những nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Cuba, Iran, Ả Rập Xê Út, Turkmenistan, Uzbekistan, Syria.

Trong phần nói về Việt Nam, Phóng viên không biên giới nhận định rằng, vốn đã có một đợt đàn áp nặng nề nhắm vào những người hành xử quyền tự do ngôn luận. Đại hội Đảng lần thứ 11 vào tháng Giêng vừa qua đã đánh dấu một thái độ cứng rắn hơn của chính quyền đối với những người chỉ trích chế độ. Các vụ tấn công tin học, phần lớn là dưới hình thức « Từ chối Dịch vụ » ( DDoS ) xảy ra ngày càng nhiều nhằm bịt miệng những tiếng nói đối lập trên mạng. Blogger trở thành một « nghề » rất nguy hiểm.

Phóng viên không biên giới nhắc lại là trong quý đầu năm 2010, chính quyền đã gia tăng áp lực lên các cộng tác viên của tờ Tổ Quốc, một tờ báo đối lập phát hành trên mạng.

Tổ chức này cũng cho biết Việt Nam hiện là nhà tù lớn thứ hai thế giới về số người sử dụng Internet bị giam giữ vì lý do chính trị, với tổng cộng 18 người đang ngồi tù.

Ngoài ra, vào tháng 4/2010, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh cho quán cà phê Internet, các đại lý Internet ở Hà Nội phải cài đặt một phần mềm để chặn việc truy cập các trang Web có nội dung chính trị và kiểm soát chặt chẽ hơn người sử dụng Internet.

Vào đầu năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa ký ban hành Nghị định về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản, có hiệu lực trong tháng hai, với mức phạt lên tới 40 triệu đồng, đối với những phóng viên và blogger vi phạm.

Theo nhận định của Phóng viên không biên giới, những biện pháp kiểm soát nói trên phản ánh sự lo ngại của chế độ Hà Nội trước con số ngày càng đông đảo những người sử dụng Internet bày tỏ chính kiến công khai trên mạng, dùng nó như là một phương tiện để bù đắp sự thiếu tự do ngôn luận trong xã hội.

Không có nhận xét nào: