Hồng Y Ivan Dias (giữa), bộ trưởng bộ Truyền giáo Tòa thánh Vatican , Đặc sứ của Giáo hoàng dự lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang ngày 6/ 01/2011
Ảnh: REUTERS/Kham
Ngày 10/1 vừa qua, khi tuyên bố với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Giáo hoàng đã bày tỏ sự hài lòng về việc chính quyền Việt Nam đã cho phép Ngài chỉ định một đại diện đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Theo Đức Giáo Hoàng, đây là một dấu hiệu cải thiện tự do tôn giáo trên thế giới.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Vatican đã bị cắt đứt từ năm 1975, nhưng trong những năm gần đây, các Hồng Y đã thường xuyên đến Việt Nam. Theo phía Việt Nam, kể từ năm 1989, các phái đoàn của Tòa Thánh đã có 17 chuyến thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề hợp tác giữa hai bên, nhắm tiến tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Nhân chuyến thăm nước Ý cuối tháng 1/2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới thăm Tòa Thánh và có cuộc hội kiến với Đức Giáo hoàng Benedicto 16. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Giáo hội Công Giáo La Mã cũng đã nói qua về viễn cảnh thiết lập quan hệ ngoại giao và khả năng Đức Giáo hoàng sang thăm Việt Nam.
Nhân chuyến thăm và làm việc của Phái đoàn Vatican do Đức ông Pietro Parolin dẫn đầu vào đầu năm 2009, Nhóm làm việc Hỗn hợp Việt Nam – Vatican đã được thành lập. Nhóm công tác hỗn hợp này đã họp lần thứ nhất ngày 16 và 17/2/2009. Trong phiên họp lần thứ hai vào tháng 6 vừa qua, Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam Vatican đã loan báo hai bên đồng ý là một đại diện không thường trú của Giáo Hoàng ở Việt Nam sẽ được chỉ định.
Trước khi chính thức bổ nhiệm đại diện không thường trú, Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã cử Hồng Y Ivan Dias, bộ trưởng bộ Truyền giáo Tòa thánh Vatican làm đặc sứ của Giáo hoàng sang dự lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang. Hồng Y Dias đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ngày 8/1.
Trong dịp viếng thăm này, Hồng Y Ivan Dias đã nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng vẫn hy vọng quan hệ Vatican - Việt Nam tiếp tục được cải thiện và Giáo hội Công giáo Việt Nam có cơ hội tham gia phục vụ đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và công tác xã hội.
Ngỏ lời với các đại diện chính quyền tại Thánh Địa La Vang ngày 5/1, Hồng Y Dias cũng đã bày tỏ hy vọng là chính quyền sẽ bảo đảm đầy đủ tự do tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo và cho toàn bộ các tín đồ, bất kể tín ngưỡng.
Theo hãng tin AsiaNews, thái độ hiện nay của chính phủ Việt Nam đối với Vatican không phải chỉ là do áp lực quốc tế ngày càng tăng, mà còn là vì họ nhận thấy rằng Giáo Hội Công Giáo có thể đóng vai trò hữu ích trong việc giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, trong việc quản lý các nhà trẻ, các cơ sở y tế, những việc mà theo lẽ Nhà nước phải lo.
Nhưng trong khi quan hệ Vatican - Hà Nội được cải thiện thêm một bước, thì những vụ đàn áp, truy bức người Công giáo ở Việt Nam vẫn không giảm đi, nhất là khi người Công giáo đòi trả lại tài sản cho Giáo hội và đòi tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo, như vụ xảy ra tại giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẳng vào đầu tháng 5, khi công an đánh đập tàn nhẫn đoàn người đi đưa đám một bà cụ ở nghĩa trang của giáo xứ. Sau vụ này, sáu giáo dân đã bị đem ra xử, hai người bị án tù giam và bốn người bị án tù treo. Họ đã kháng cáo và sẽ được xử phúc thẩm ngày 26/1 tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét