3/3/11

Phải sửa quy định đấu thầu trước việc TQ nắm đa số dự án trọng điểm của VN

 
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 do Tập đoàn Đông Phương của Trung Quốc và Tập đoàn Marubeni của Nhật thầu toàn bộ. Nhà máy hòa lưới điện quốc gia năm 2009, chậm hơn một năm so với dự kiến, và hiện tại đang phải ngưng lại để sửa chữa các sai sót.
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 do Tập đoàn Đông Phương của Trung Quốc và Tập đoàn Marubeni của Nhật thầu toàn bộ. Nhà máy hòa lưới điện quốc gia năm 2009, chậm hơn một năm so với dự kiến, và hiện tại đang phải ngưng lại để sửa chữa các sai sót.
(DR)
Thanh Phương 16/8/2010
Trong bối cảnh căng thẳng trên vấn đề biển Đông do tham vọng chủ quyền ngày càng rõ nét của Trung Quốc, thông tin về việc các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đa số các dự án trọng điểm ở Việt Nam đã gây nhiều quan ngại.

Hiện giờ đầu tư trực tiếp Trung Quốc vào Việt Nam rất ít, chỉ chiếm 1,5% tổng số vốn FDI. Trong khi đó Trung Quốc trúng tới 90% các vụ thầu EPC các công trình điện, khai thác khoáng, dầu khí, luyện kim và hóa chất của Việt Nam.

Thầu EPC, hay còn gọi là thầu theo phương thức chìa khóa trao tay, bao gồm toàn bộ các khâu từ tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp vận hành, v.v. Bộ Công Thương cho biết có 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia làm tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án ở Việt Nam. 41 dự án này đều là dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng. Trong số đó có 12 dự án về điện lực, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Chủ đầu tư đều là những trụ cột kinh tế Việt Nam như Tập Đoàn Than – Khoáng Sản, Tập Đoàn Dầu Khí, Tập Đoàn Điện Lực, Tổng Công Ty Thép, Tổng Công Ty Hóa Chất.

Riêng trong lãnh vực khai thác khoáng nhôm và bauxite hiện nay tại Việt Nam, Trung Quốc gần như trúng 100% gói thầu EPC. Tại Tây Nguyên, Công ty công trình quốc tế nhôm Trung Quốc Chalieco đã trúng lô thầu ở Lâm Đồng của Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam với trị giá 466 triệu USD. Đây cũng là một dự án lớn nhất của ngành khai khoáng Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng VN. Chỉ 2 năm sau, mặc dù việc triển khai dự án ở Lâm Đồng tiến triển chậm, Chalieco vẫn trúng thầu dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông với trị giá lớn hơn: 499,2 triệu USD.

Lý do chính giải thích vì sao các nhà thầu Trung Quốc lại thắng thầu dễ dàng như thế đó là vì các chủ đầu tư Việt Nam ham giá rẻ, như nhận định của kinh tế gia Lê Đăng Doanh.

Trên Diễn đàn VNR500 của VietnamNet, người viết có tên tắt N.T.T đưa ra thêm hai yếu tố để giải thích cho việc Trung Quốc thắng thầu dễ dàng ở Việt Nam: Thứ nhất, vì muốn dự án dễ được phê duyệt, các chủ đầu tư Việt Nam thường tự làm thấp tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán và như vậy là chỉ có cách là chọn các nhà thầu Trung Quốc, bao giờ cũng ra giá rẻ. 
 
Thứ hai, theo tác giả N.T.T, hiện nay các hãng, tập đoàn lớn của Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Mỹ…. do sức ép của chính phủ họ, đã đều buộc phải làm trong sạch nội bộ, chống hối lộ, móc ngoặc với khách hàng , không minh bạch, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh….. Cho nên, tốt hơn là “đi” với các nhà thầu Trung Quốc để nhận được các phần “lót tay”, “lại quả” thật hào phóng (có thể tới 15 - 20% giá trị hợp đồng), và để trúng thầu thì tổng giá chào đã giảm thấp tới đáng ngờ. Tất nhiên, “tiền nào của ấy”, các nhà thầu Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị và dịch vụ chất lượng rất kém.

Mối nghi ngờ về hối lộ tham nhũng càng khó được giải tỏa vì người ta thấy là trước và sau những cuộc đầu thầu, các chủ đầu tư Việt Nam thường ra vào liên tục Trung Quốc để gọi là “học tập” hay “tìm hiểu công nghệ”...

Khi đã nhận cho Trung Quốc thầu rồi thì “ há miệng mắc quai”. Vấn đề là với các nhà thầu Trung Quốc, chất lượng thiết bị thì xấu, thời gian hoàn thành dự án bao giờ cũng bị kéo dài, nhưng các chủ đầu tư chẳng làm gì được, hầu như chẳng có nhà thầu Trung Quốc nào bị phạt vì vi phạm hợp đồng.

Như vậy, việc các nhà thầu Trung Quốc nắm đa số các dự án trọng điểm ở Vìệt Nam phần lớn chính là do trách nhiệm của chủ đầu tư Việt Nam, mà thường đó là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hay nói khác hơn đó là chính Nhà nước Việt Nam

Cho nên, như tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nói ở trên, phải sửa đổi các quy định về đấu thầu quốc tế. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Invest Consult Group:

Trên diễn đàn VNR500 ngày 13/8, ông Tạ Văn Hường, vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công thương nhìn nhận cái dở nhất của nhà thầu Trung Quốc là thiết bị kém và cho biết là Bộ này đã chỉ đạo cho Vụ kế hoạch tổng hợp và báo cáo gấp vấn đề này làm rõ tình hình hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc, vì sao nhà thầu Trung Quốc lại vào quá nhiều dự án của Việt Nam. Nhưng chính quyền Việt Nam sẽ đối phó như thế nào, chúng ta hãy chờ xem.

Không có nhận xét nào: