29/3/11

Vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ gây phản ứng ngày càng mạnh trong dư luận Việt Nam

Thanh Phương 29/3/2011
 
Hôm qua, cô Cù Thị Xuân Bích, em gái của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, đã cho công bố trên một số trang mạng bức Thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự cho ông, với danh sách 252 người tham gia ký tên trong đợt 2. Cộng thêm những người đã ký ở đợt đầu, số người bày tỏ sự ủng hộ bức thỉnh nguyện thư này lên tới gần 300, gồm phần lớn là những người trong nước, trong đó có khá nhiều giáo dân Công giáo.

Bức Thỉnh nguyện thư gởi cho các lãnh đạo của Nhà nước, Quốc hội và chính phủ Việt Nam nhắc lại là tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt ở Sài Gòn ngày 5/11 năm ngoái và đến ngày 17/12, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã truy tố ông với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », do những bài viết, bài trả lời phỏng vấn về những vấn đề nhân quyền, dân chủ đa đảng ở Việt Nam. Phiên xử được dự trù ngày 24/3, nhưng sau đó đã được dời sang ngày thứ hai tuần tới 4/4.

Ngược lại với cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Nội, theo bức Thỉnh nguyện thư, ông Cù Huy Hà Vũ là «một người yêu nước, thương nòi. Những phát biểu, việc làm của ông thực tế là một tấm gương điển hình cho mỗi công dân Việt Nam. Đó là một việc làm vô cùng hữu ích trong tiến trình xây dựng một chế độ pháp trị trong xã hội ta ngày nay mà không phải ai cũng làm được.»

Những người ký tên vào Thỉnh nguyện thư khẳng định việc bắt giam ông Cù Huy Hà Vũ là « một việc làm oan trái, vô đạo lý, gây chấn động dư luận, bất lợi cho hình ảnh của Việt Nam ». Cho nên, Thỉnh nguyện thư yêu cầu là : thứ nhất, giải oan và trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ, thứ hai, khuyến khích giới truyền thông thông tin cho toàn dân biết sự thật về vụ án này.

Tờ An Ninh Thủ Đô ngày 27/3 vừa qua, khi đưa tin về việc phiên xử, cho biết sẽ có năm luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ. Tờ báo nhấn mạnh : « rất ít khi có một phiên tòa mà nhiều luật sư tham gia bào chữa cho một bị cáo như vậy ». Tờ An Ninh Thủ Đô còn khẳng định là « phiên tòa vẫn diễn ra bình thường, đảm bảo sự tranh tụng tại tòa được khách quan, công bằng. »

Nhưng lo ngại trước khả năng là phiên xử tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ không diễn ra một cách công minh, gia đình ông hôm nay vừa ra lời kêu cứu phổ biến trên mạng, để một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của công luận và đề nghị mọi người có mặt vào đúng ngày ông Cù Huy Hà Vũ ra tòa 4/4 để chứng kiến vụ xử này.

Trước đó, khi nghe tin là phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ sẽ diễn ra ngày 24/3, trên mạng Internet đã có nhiều lời kêu gọi tập hợp đông đảo đúng ngày hôm đó trước Tòa án Nhân dân Hà Nội. Có lẽ một phần vì những lời kêu gọi tập hợp này mà chính quyền đã phải dời ngày xử, nhất là vì ngày hôm trước 23/3 là ngày đưa tang ông Trịnh Xuân Tùng, người đã bị công an đánh chết một cách dã man, gây phẫn nộ dư luận, cho nên có rất nhiều người đến dự.

Việc dời phiên xử cũng có thể phản ánh thái độ bối rối của chính quyền trong việc xử lý trường hợp Cù Huy Hà Vũ. Dầu sao, ông Hà Vũ cũng xuất thân từ một gia tộc có nhiều đóng góp cho chế độ. Bản thân ông không thuộc một tổ chức, đảng phái nào, nên không dễ bị quy chụp là đảng viên Việt Tân, hay « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân». Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ còn có quan hệ với nhiều trí thức, cách mạng lão thành ở Hà Nội. Một chi tiết khác không thể bỏ qua là ông Hà Vũ đã từng nhận bào chữa cho các giáo dân Cồn Dầu, cho nên, rất được giới Công giáo mến mộ. Mà qua những vụ tập hợp cầu nguyện đòi đòi lại đất đai và đòi công lý, người ta đã thấy giáo dân đã trở thành một sức mạnh như thế nào, khi đức tin giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi.

Cũng có thể phiên xử bị dời lại là vì Bộ Chính trị chưa thống nhất với nhau về phương cách giải quyết Cù Huy Hà Vũ, trước nguy cơ sẽ bị quốc tế lên án mạnh mẽ, nếu tuyên án vị tiến sĩ Luật này, bởi vì vụ xử nay đã được dư luận thế giới quan tâm, đặc biệt với việc gia đình đã nhờ Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Hoa Kỳ đại diện đệ đơn khiếu nại lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Tóm lại, có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam, một vụ án chính trị gây nhiều phản ứng như vụ Cù Huy Hà Vũ. Kể từ khi ông bị bắt và nhất là kể từ khi ông bị truy tố, đã có không biết bao nhiều bài viết về vụ này đăng trên mạng, tạo thành một làn sóng tranh luận sôi nổi về quyền tự do ngôn luận, về Hiến pháp, về pháp luật... ở Việt Nam. Làn sóng này lấn át những bài bôi nhọ thanh danh ông Cù Huy Hà Vũ đăng trên báo chí chính thức. Nói cách khác, vụ án Cù Huy Hà Vũ nay đã trở thành một vụ án « trọng điểm » mà qua đó, thế giới đánh giá trình độ hội nhập của Việt Nam về mặt dân chủ, nhân quyền.

Một số bài cần đọc về vụ Cù Huy Hà Vũ:

Luật gia Nguyễn Tường Tâm – Bẻ gẫy 10 bằng chứng kết tội Cù Huy Hà Vũ

 Uy tín của nhà nước Việt Nam sẽ gia tăng với thế giới trong vụ xử CHHV sắp tới đây?

Yêu cầu Tòa án giải quyết một số vấn đề trước khi mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử TS Cù Huy Hà Vũ.

 


27/3/11

Việt Nam cần xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân

 
Thanh Phương 21/3/2011
 
Việt Nam đã dự trù sẽ xây tổng cộng đến 8 nhà máy hạt nhân và theo lịch trình dự kiến, đến năm 2031, toàn bộ 8 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động . Nhà máy đầu tiên do Nga xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận sẽ được khởi công vào năm 2014 và dự kiến sẽ hoà vào lưới điện quốc gia vào năm 2020. Việt Nam cũng dự định hợp tác với Nhật để xây hai lò phản ứng hạt nhân khác.

Sau những sự cố tại các nhà máy hạt nhân ở Fukushima, trong khi nhiều quốc gia đang xét lại chính sách phát triển năng lượng nguyên tử, từ bỏ hoặc giảm các kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân, thì tại Việt Nam, các giới chức đặc trách năng lượng tuyên bố là những sự cố tại Fukushima sẽ không ảnh hưởng gì đến việc phát triển điện nguyên tử của nước này.

Tuy vậy, dư luận ở Việt Nam không khỏi lo âu về nguy cơ xảy ra những tai nạn hạt nhân tương tự như ở Fukushima. Tuy rằng Việt Nam không thường xuyên bị động đất như ở Nhật, nhưng tại tỉnh Ninh Thuận, nơi sẽ xây nhà máy hạt nhân đầu tiên, hiện tượng động đất hay sóng thần là chuyện có thể xảy ra, tuy rằng với cường độ thấp hơn.

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn,Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức ngày 16/3 đã bảo đảm rằng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ của Nga thuộc thế hệ lò phản ứng thứ 3. Theo ông Vương Hữu Tấn, công nghệ này được coi là hiện đại nhất hiện nay, áp dụng nguyên lý an toàn thụ động rất tốt, có tích nước sẵn trong lò. Nếu xảy ra sự cố tương tự như ở NM Fukushima thì NM Ninh Thuận sẽ tự động giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên.

Về phần tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, thì cho rằng, Fukushima cho Việt Nam bài học về ứng phó sự cố trong tình trạng khẩn cấp. Theo ông Nhân, Nhật Bản ứng phó sự cố rất bài bản là do đã tổ chức diễn tập thường xuyên. Cho nên, trong thời gian tới, Cục An toàn bức xạ hạt nhân sẽ hướng dẫn các tỉnh có kế hoạch ứng phó sự cố, đặc biệt là các tỉnh gần với các nhà máy điện hạt nhân đang và sắp xây dựng.

Nhưng các chuyên gia như giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, thì nghĩ rằng, qua sự kiện Fukushima, Việt Nam cần phải suy nghĩ lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân và trong bối cảnh còn thìếu rất nhiều chuyên gia, không nên xây đến 8 nhà máy hạt nhân, mà trước mắt chỉ nên làm một hoặc hai nhà máy, để vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, vừa xây dựng đội ngủ chuyên gia. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với Giáo sư Phạm Duy Hiển:

RFI : Kính thưa Giáo sư Phạm Duy Hiển, trước hết theo giáo sư, nếu bỏ sang một bên yếu tố Nhật Bản là quốx gia thường xảy ra động đất, những sự cố như ở các nhà máy hạt nhân Fukushima có thể được dự báo trước hay không ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Qua những gì đã xảy ra, có thể nói là Nhật Bản có một công nghệ hạt nhân rất tiên tiến, đội ngũ chuyên gia của họ cũng rất tiên tiến, nhưng quy mô tai nạn quá lớn. Rõ ràng là con người không thể tính hết mọi chuyện và nhất là đối với điện hạt nhân. Tất nhiên, xác suất xảy ra không phải là thường xuyên, do đó người ta có thể không để ý. Chỉ đến khi xảy ra như thế này, người ta mới bắt đầu thấy là con người chưa tính hết mọi việc.

Nghiên cứu của các nước thường nói là lò phản ứng có thể chịu được động đất cấp này, cấp khác, nhưng chịu được đến cấp 9 thì hơi khó. Trên thực tế, người ta phải đo gia tốc của mặt nền, để căn cứ vào đó tính toán sức chịu đựng của lò. Cũng có người nói rằng sự cố vừa rồi là vẫn nằm trong giới hạn, nhưng tôi nghĩ động đất cấp 9 là rất khó lường và rất nhiều máy móc, thiết bị, nhà cửa bên trong không thể tính hết được.

Cái thứ hai quan trọng hơn đó là động đất lần này lại đi với sóng thần và sóng thần cũng dữ tợn không ngờ được. Thật ra, khi có động đất thì lò tự động dừng. Vấn đề là do không tải nhiệt được, nên các thanh nhiên liệu nóng lên. Thông thường có một máy phát điện diesel ở ngoài để thay thế cho nguồn điện bị mất, nhưng không ngờ là máy diesel đó lại bị ngập nước.

Thật ra người Nhật cũng dự trù chuyện ngập nước, nên đã xây đê chắn ở phía biển. Nhưng không ngờ là sóng thần quá mạnh, nên nước ào vào, làm hỏng hết gian nhà chứa tuốc bin. Sau 13 tiếng đồng hồ, người ta đưa được tuốc bin mới đến, thì lại không đấu được vào, vì cầu dao chổ đó cũng bị ngập nước. Như vậy, cho dù có tính đến các thảm hoạ thiên nhiên, người ta cũng không thể lường trước hết được.

Ở Việt Nam cũng có người nghĩ rằng sau này làm lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 thì chắc là có thể tránh khỏi những chuyện ấy. Lò phản ứng thế hệ 3 đúng là hiện đại hơn, tiên tiến hơn, nhưng đó là nói về cái đoạn làm sao dập được phản ứng dây chuyền trong lò. Tai nạn ở Fukushima không phải là ở cái đoạn ấy mà là ở cái đoạn sau, tức là khi lò đã dừng rồi, nhưng lại không tải nhiệt các thanh phóng xạ được.

Nếu con người cứ nghĩ rằng máy móc thiết bị bao giờ cũng tốt, thì thiên nhiên cũng có những điều không ai lường trước được. Không tính được hết những chuyện xảy ra đã đành rồi, nhưng mà khi nó đã xảy ra, thì người này làm việc này, người kia làm việc kia, hệ thống ứng phó ra sao, cũng khó mà tính hết được.

RFI : Tức là trong điện hạt nhân thì không có sự an toàn tuyệt đối ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Thế 3 hay thế hệ nào cũng vậy và nhất là nếu cứ nghĩ vậy, máy móc, thiết bị của những thế hệ đó ngày càng tinh vi và con người trở nên lệ thuộc vào máy móc. Tư duy đó rất không đúng.

RFI : Sự cố ở Fukushima buộc cả thế giới phải rà soát lại mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân và dầu sao nó cũng ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển điện nguyên tử tại những nước như Việt Nam. Chúng ta phải suy nghĩ lại chính sách phát triển hạt nhân như thế nào ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Không cứ gì Việt Nam, các nước khác cũng phải xem xét lại. Từng nhà khoa học tham gia vào chuyện này, cũng có những cái trước đây không ngờ được, thì bây giờ cũng phải suy nghĩ lại. Cách đây khoảng một, hai năm, khi thảo luận về điện hạt nhân ở Việt Nam, hầu hết những người có trách nhiệm cấp dưới cũng như cấp cao vẫn nghĩ rằng là điện hạt nhân rất an toàn. Ai mà nói nó không an toàn thì người ta không chịu. Họ cứ nghe những chuyện như là xác xuất không an toàn là cực thấp, nghĩ rằng sẽ không bao giờ xảy ra. Bây giờ thì nó xảy ra đấy !

Cho nên, từng người, từng tập thể, cả chính phủ, chắc rồi cũng sẽ xem xét lại và phải xét lại trên khái niệm là không có cái gì an toàn tuyệt đối. Nhất là cả con người, cả bộ máy, cả hạ tầng cơ sở phải đồng bộ. Nếu không tương thích được với mức độ nghiêm trọng của điện hạt nhân thì không làm được.

Tôi không dám nói với anh là có nên làm điện hạt nhân hay không, vì đằng nào cũng đã có quyết định rồi, nhưng qua sự cố ở Fukushima, cần phải chấn chỉnh lại như thế nào? Theo tôi, cái quan trọng nhất ở Việt Nam vẫn là con người, là tổ chức. Nhưng trước khi có con người và tổ chức tốt thì tư duy phải đúng. Đã làm điện hạt nhân, tức là làm chuyện nghiêm túc nhất, thì không bao giờ được xem nhà máy hạt nhân giống như là một nhà máy đóng giày hay một nhà máy nào khác, hoặc là khi nào cần thì có thể mua như là mua một xe ôtô.

Cách đây hai, ba năm không ai thấy chuyện đó, bây giờ rất hay là người ta thấy chuyện đó. Không nhất thiết là thấy rồi thì sẽ sợ không làm. Điều này còn tùy thuộc vào xu hướng của thế giới. Có những nước kiên quyết dừng, nhưng cũng có những nước nhất quyết vẫn làm. Cho nên, tôi không thể khẳng định được là Việt Nam rồi đây sẽ như thế nào. Nhưng rất may là ( xin lỗi, tôi xin đóng ngoặc kép chữ « may » ) sự kiện vừa rồi ở Nhật buộc người ta phải suy nghĩ lại.

RFI : Việt Nam đã dự trù xây đến 8 nhà máy hạt nhân. Theo giáo sư, sau sự cố vừa rồi ở Fukushima, liệu chúng ta có nên giảm bớt số lượng nhà máy này ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Ngay từ đầu tôi đã nói là không thể làm liều lĩnh như vậy được. Tất cả những cái anh là phải dựa trên cơ sở là không phải cứ có tiền là muốn làm gị cũng được, nhưng còn bao nhiêu thứ khác nữa. Tất nhìên, ngoài vấn đề tiền còn có vấn đề tri thức về điện hạt nhân của Việt Nam, tức là phải có một đội ngũ chuyên gia. Qua sự kiện vừa rồi ở Nhật Bản, tất cả mọi người đều thấy là những người rất giỏi, rất nghiêm túc, có kinh nghiệm rất nhiều, thì mới xử lý được những sự cố như vậy. Còn nếu tất cả đều ởm ờ như nhau thì làm sao được ? Cái khó nhất đối với Việt Nam, đó là không có cái đội ngũ đấy. Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất lúng túng trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia.

Ngay từ đầu tôi đã nói rằng : làm từ từ, làm đến đâu, học hỏi đến đấy, tích lũy kinh nghiệm đến đấy, xây dựng đội ngũ đến đấy, chắc rồi hãy làm tiếp, trên tinh thần là không phải giống như ta mua một món đồ về dùng, hoặc trên tinh thần là không phải để cho người ngoại quốc chỉ huy tất cả, mà ngưòi Việt Nam phải tự làm. Như thế thì sẽ thấy là tốc độ làm như thế là không được. Hoặc tập trung nhiều nhà máy vào Ninh Thuận là không được. Nếu xảy ra sự cố như đối với sáu lò ở Fukushima vừa rồi, thì Việt Nam xử lý ra sao? Nó không đơn giản như người ta tưởng.

Tôi cứ nghĩ giỏi lắm là năm 2020 làm lò phản ứng thứ nhất và 5 năm sau mới làm lò thứ nhì. Tôi không tin là có thể làm với tốc độ nhanh hơn được, nhất là Việt Nam vẫn còn rất lúng túng trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao. Tôi nhìn quanh nhìn quất thì chưa thấy anh nào thuộc thế hệ 40, 50 tuổi rồi sẽ trở thành những chuyên gia tốt về hạt nhân.

RFI : Xin cám ơn giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt.

26/3/11

Syria : Phong trào biểu tình chống chế độ lan rộng

Thanh Phương 26/3/2011
 
Các cuộc biểu tình chống chế độ ở Syria đã lan rộng ở nhiều thành phố, mặc dù chính quyền đã loan báo một số biện pháp dân chủ hóa.

Hôm qua (25/3), chính quyền Damas tuyên bố sẽ xem xét khả năng bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, ban hành các biện pháp chống tham nhũng, tăng lương cho công chức và trả tự do cho các nhà đối lập. Một tổ chức nhân quyền Syria ở Luân Đôn, hôm nay, vừa cho biết, hơn 200 tù chính trị đã được trả tự do tối hôm qua. Nhưng những biện pháp nói trên đã không làm dịu phong trào phản kháng.

25/3/11

Làn sóng dân chủ làm rung chuyển chế độ độc tài Syria

Thanh Phương 25/3/2011
 
Sau Tunisia, Ai Cập và Libya, nay đến lượt Syria bị rung chuyển vì những cuộc biểu tình phản kháng chưa từng có, buộc chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad phải nhượng bộ.

Từ 40 năm qua, quốc gia này vẫn sống dưới một chế độ độc tài cha truyền con nối. Đặc điểm của Syria là người allaouite, một nhánh của hệ phái Hồi giáo chiite, chiếm thiểu số nhưng lại nắm quyền lãnh đạo từ năm 1963 đến nay, trong khi đa số dân ở nước này là người Hồi giáo hệ phái sunnite. Dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad, mọi hình thức đối lập đều bị đàn áp dữ dội. Năm 1982, Tổng thống Syria đã ra lệnh oanh tạc vào thành phố Hama để dập tắt cuộc nổi dậy do tổ chức Huynh đệ Hồi giáo khởi xướng.

22/3/11

NATO bất đồng về vấn đề chỉ huy chiến dịch quân sự Libya

Thanh Phương 22/3/2011
 
Trong lịch sử quân sự thế giới những thập kỷ gần đây, lần đầu tiên một liên quân quốc tế can thiệp quân sự mà không có bộ chỉ huy thống nhất. Chiến dịch của liên quân Pháp-Anh- Mỹ tại Libya không có một bộ chỉ huy duy nhất : mỗi nước sử dụng bộ tham mưu của riêng mình.

Cho tới nay, dù là ở Kosovo, Afghanistan, hay ở châu Phi, các chiến dịch đa quốc gia đều nằm dưới một ngọn cờ duy nhất, hoặc là Liên hiệp quốc, hoặc Liên hiệp châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Trong khi đó, chiến dịch của liên quân Pháp-Anh- Mỹ tại Libya lại là một ngoại lệ, tức là không có một bộ chỉ huy duy nhất, mỗi nước sử dụng bộ tham mưu của riêng mình và chỉ có phối hợp với nhau mà thôi.

19/3/11

Can thiệp quân sự vào Libya có nguy cơ dẫn đến chia cắt nước này

Thanh Phương 19/3/2011
 
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bật đèn xanh với việc thông qua nghị quyết 1973, trong vài giờ nữa, quốc tế sẽ can thiệp quân sự vào Libya để vô hiệu hóa quân đội của Kadhafi, bảo vệ thường dân ở nước này.

Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là ngăn không cho không quân Libya oanh kích vào các vùng hiện do phe nổi dậy kiểm soát, đặc biệt là khu vực Benghazi ở miền Đông. Như vậy phải tấn công trước hết vào những hệ thống phòng không của Libya : các căn cứ, các dàn phóng tên lửa, các trung tâm chỉ huy, các dàn đại bác và các xe thiết giáp.

Việt Nam giữ nguyên bản án đối với ba nhà hoạt động bảo vệ công nhân

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương.
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương.
DR
Thanh Phương 19/3/11
 
Hôm qua 18/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã xử phúc thẩm Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương. Ba người này đã bị kết án tù từ 7 đến 9 năm trong phiên xử sơ thẩm ngày 26/10/2010 với tội danh  "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân".

Họ đã bị bắt vào vào tháng 2 năm ngoái vì phân phát truyền đơn và tham gia tổ chức cuộc đình công của 10.000 công nhân ở công ty giày da Mỹ Phong tại Trà Vinh.

Theo thông cáo hôm nay của Uỷ ban Bảo vệ Người lao động Việt Nam, trụ sở ở Vacxava, Ba Lan, phiên tòa được thông báo là xử công khai, nhưng công an đã phong tỏa khu vực tòa án, người nhà của ba bị cáo cũng không được vào phòng xử.

Phiên xử kết thúc với quyết định y án sơ thẩm, tức là phạt anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 9 năm tù, cô Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Đoàn Huy Chương, mỗi người 7 năm tù.

Xin nhắc lại là ngày 16/3 vừa qua, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã ra thông cáo yêu cầu Tòa án tỉnh Trà Vinh hủy bỏ bản án đối với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, vì theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức này, những gì mà ba người nói trên làm chỉ là «khẳng định quyền của công nhân Việt Nam được tổ chức, tập hợp và đình công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc ».

Bản thông cáo của Human Rights Watch nhắc lại, anh Đoàn Huy Chương là một trong những người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công Nông và từng bị kết án 18 tháng tù vào năm 2006 với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ ». Còn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thi Minh Hạnh là những người tích cực hỗ trợ một phong trào mang tên « Dân Oan », chuyên giúp những công nhân bị bần cùng hóa, nông dân bị cướp đất. Riêng anh Hùng cũng là thành viên của khối 8406, một tổ chức đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.

17/3/11

HRW đòi hủy bỏ bản án với 3 nhà hoạt động bảo vệ công nhân Việt Nam

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương.
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương.
DR
Thanh Phương 17/3/2011
 
Ngày mai (18/3/2011), theo dự kiến, Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh sẽ mở phiên xử sơ thẩm ba người gồm Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương. Ba người này đã bị kết án tù từ 7 đến 9 năm trong phiên xử sơ thẩm ngày 26/10/2010 với tội danh « phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân ».
  
Họ đã bị bắt vào vào tháng 2 năm ngoái vì phân phát truyền đơn và tham gia tổ chức cuộc đình công của 10 ngàn công nhân ở công ty giày da Mỹ Phong tại Trà Vinh.

Hôm qua, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã ra thông cáo yêu cầu Tòa án tỉnh Trà Vinh hủy bỏ bản án đối với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, vì theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức này, những gì mà ba người nói trên làm chỉ là «khẳng định quyền của công nhân Việt Nam được tổ chức, tập hợp và đình công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc».

Bản thông cáo của Human Rights Watch nhắc lại anh Đoàn Huy Chương là một trong những người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công Nông và từng bị kết án 18 tháng tù vào năm 2006 với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ ». Còn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh là những người tích cực hỗ trợ một phong trào mang tên « Dân Oan », chuyên giúp những công nhân bị bần cùng hóa, nông dân bị cướp đất. Riêng anh Hùng cũng là thành viên của khối 8406, một tổ chức đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.


Cũng về nhân quyền, hôm qua, Tòa án Nhân dân thành phố Bắc Giang đã kết án tù bốn người bị xử với tội danh « gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ » trong cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ của người dân địa phương, trước việc anh Nguyễn Văn Khuơng bị đánh chết tại trụ sở công an huyện Tân Yên ngày 23/7/2010.

Theo bản cáo trạng, sự việc xảy ra ngày 25/7 khi gia đình đưa quan tài anh Khương lên cổng trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang. Bốn bị cáo đã ném gạch đá vào công an, khiến 20 người bị thương, nên bị tuyên án từ 2 đến 4 năm tù. Sáu bị cáo khác thì bị tuyên án tù treo từ 1 năm rưỡi đến 2 năm 2 tháng.

Theo báo chí trong nước, những người khác bị coi là phạm tội « Cố ý gây thương tích » và «Hủy hoại tài sản» trong vụ này, sắp tới đây sẽ bị đem ra xử.

Động đất khiến đồng yen tăng lên mức cao nhất kể từ 1945

Thanh Phương 17/3/2011
Bình thường một quốc gia bị một trận động đất và sóng thần nặng nề như Nhật Bản, đơn vị tiền tệ của quốc gia đó sẽ bị mất giá. Nhưng trong khi Nhật Bản vừa phải khắc phục hậu quả thiên tai, vừa bị nguy cơ thảm hoạ hạt nhân đe dọa, thì đồng yen lại tăng giá lên đến mức cao nhất kể từ sau Đệ nhị thế chiến.

Vào cuối ngày hôm qua, ở thị trường New York và đầu buổi sáng ở châu Á hôm nay, tỷ giá đôla so với đồng yen có khi đã rơi xuống mức 76,52 yen, trước khi ổn định ở mức khoảng 79 yen và lúc 7 giờ GMT, mức cao nhất tính từ năm 1945 đến nay.

Lý do của sự tăng giá kỷ lục của đồng yen là các nhà đầu tư nghĩ rằng các công ty bảo hiểm của Nhật sẽ ồ ạt rút vốn từ ngoại quốc về, để bồi thường cho các nạn nhân động đất và sóng thần. Bộ trưởng đặc trách Chinh sách kinh tế và ngân sách Nhật Bản Kaoru Yosano hôm nay khẳng định đó chỉ là « những tin đồn vô căn cứ » và theo ông, các công ty bảo hiểm Nhật hoàn toàn có đủ thanh khoản, chứ không cần phải bán các phần vốn đang có bằng ngoại tệ.

Nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua đồng yen với số lượng lớn, hy vọng là sau này sẽ bán lại với giá cao hơn. Bởi vì nếu thật sự là các công ty bảo hiểm Nhật Bản hoán chuyển nhiều khoản vốn ở nước ngoài từ ngoại tệ thành đồng yen, đơn vị tiền tệ Nhật Bản có thể tăng giá thêm nữa.

Cho nên, chính phủ Tokyo hôm nay đã cực lực lên án những kẻ đầu cơ đã khiến giá đồng yen ở mức kỷ lục, bởi vì tình trạng này sẽ gây rất nhiều thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Nhật. Lý do là vì thu nhập bằng ngoại tệ của họ khi chuyển qua đồng yen sẽ giảm bớt giá trị. Muốn duy trì kim ngạch như hiện nay, các nhà xuất khẩu Nhật buộc phải tăng giá bán, nhưng như thế thì sẽ làm suy yếu sức cạnh tranh của các sản phẩm đến từ xứ Mặt trời mọc.

Hiện giờ, hoạt động kinh tế của phần lớn nước Nhật đang chậm hẳn lại, vì động đất gây ra nhiều khó khăn về cung ứng cho các xí nghiệp, còn giao thông công cộng ở vùng Tokyo tiếp tục bị rối loạn. Bộ Kinh tế Nhật cũng báo trước, do 11 nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động, có thể là tối nay sẽ có cúp điện ở diện rộng, nếu mức tiêu thụ năng lượng không giảm đi.

Để trấn an các thị trường, hôm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bơm thêm 6 ngàn tỷ yen, tương đương với 76 tỷ đôla, vào hệ thống tài chính. Như vậy, tính từ thứ hai vừa qua, tổng cộng 34 ngàn tỷ yen đã được bơm vào các thị trường tiền tệ.

Theo tính toán mới nhất, thiệt hại do động đất và sóng thần có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ yen, tức hàng trăm tỷ đôla và sẽ làm sụt giảm mạnh sản lượng của các nhà máy tại quốc gia hiện vẫn là nền kinh tế thứ ba thế giới.
Nhưng lịch sử đã cho thấy, giống như sau thảm hoạ động đất năm 1995 tại Kobe, sản lượng công nghiệp của Nhật có thể nhanh chóng tăng vọt trở lại, vì những chi tiêu cho việc tái thiết sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Tuy vậy, diễn tiến tình hình còn tùy thuộc vào nỗ lực ngăn chận thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Nếu nỗ lực này thất bại, nó sẽ tạo một làn sóng chấn động các thị trường tài chính không chỉ ở Nhật Bản, mà trên toàn thế giới.

15/3/11

Một tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ

Thanh Phương 15/3/2011
 
Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường ( Environmental Defender Law Center, EDLC ), trụ sở tại Hoa Kỳ, một tổ chức chuyên trợ giúp những người hoạt động bảo vệ môi trường, hôm nay vừa ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
 
Theo dự kiến, ông Cù Huy Hà Vũ sẽ bị đem ra xử ngày 24/3 tới với tội danh “ tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, do những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông về dân chủ và nhân quyền. Với tội danh này, ông Hà Vũ có thể lãnh án tù lên tới 12 năm.

Ông Cù Huy Hà Vũ đã gây tiếng vang rất lớn vào năm ngoái, khi ông đệ đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên bất chấp những nguy cơ về môi trường, an ninh quốc phòng và kinh tế. Cũng chính ông Hà Vũ vào tháng 10 năm ngoái đã kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nghị định cấm khiếu kiện tập thể ở Việt Nam.

Trong bản thông cáo, Giám đốc Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường Lewis Gordon lo ngại vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ “sẽ không công bằng, bởi vì việc bắt giữ ông đã là trái luật và không công bằng”. Tổ chức này nhắc lại là trong bản tóm tắt hồ sơ pháp lý gởi Tòa án Nhân dân Hà Nội gần đây, họ đã từng nói rằng những cáo buộc đối với ông Hà Vũ là “tùy tiện và xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận của con người đã được quốc tế công nhận trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”.

Theo dự kiến sẽ có bốn luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng vợ của ông là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã bị rút giấy chứng nhận bào chữa, vì bà bị cho là đã phát tán các tuyên bố của ông Hà Vũ lên Internet. Luật sư Dương Hà đã khiếu nại và vẫn đòi được quyền bào chữa cho chồng.

Còn về linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam, trên nguyên tắc hôm nay phải trở vào trại giam sau khi hết hạn một năm được tự do tạm để chữa bệnh. Nhưng cho đến giờ, vẫn chưa biết quyết định của chính quyền Việt Nam như thế nào, còn điện thoại di động của bà Nguyễn Thị Hiểu, người chị linh mục Lý, hiện đang thăm ông ở Huế, thì bị cắt, không thể liên lạc được.

Ngày 13/3 vừa qua, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch đã kêu gọi chính quyền Việt Nam “thả ngay lập tức và vô điều kiện linh mục Lý, đồng thời hủy bỏ mọi tội danh đã cáo buộc ông.” 

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ sẽ ra tòa ngày 24/03
Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ lo ngại cho sức khỏe của ông

Tai nạn hạt nhân ở Nhật sẽ tác động đến các chương trình nguyên tử châu Á

Ảnh chụp qua vệ tinh so sánh hình ảnh nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở phía bắc Tokyo vào ngày 21/11/2004 (trái) và  ngày 14/03/2011 sau khi lò phản ứng số 3 bị nổ do động đất và sóng thần.
Ảnh chụp qua vệ tinh so sánh hình ảnh nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở phía bắc Tokyo vào ngày 21/11/2004 (trái) và ngày 14/03/2011 sau khi lò phản ứng số 3 bị nổ do động đất và sóng thần.
Reuters
Thanh Phương 15/3/2011
 
Do những tai nạn hạt nhân ở Nhật, chính phủ của các nước châu Á đang phát triển năng lượng nguyên tử chắc sẽ chịu nhiều áp lực buộc phải giảm bớt những chương trình này. Tuy nhiên, trong tương lai gần, hàng chục nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn được xây dựng ở châu Á.

Trong những năm gần đây, châu Á dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng hạt nhân vì các nước trong khu vực này tìm cách đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng vọt cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới ( World Nuclear Association ), trong số trên 62 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, có đến 60 nhà máy là ở châu Á.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, nơi mà 27 nhà máy điện nguyên tử đang được xây dựng và 50 nhà máy khác được dự trù, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường của nước này vừa tuyên bố sẽ vẫn đẩy mạnh chương trình hạt nhân, mặc dù ở Nhật Bản đang có nguy cơ phóng xạ.

Một nước châu Á khác cũng đang đóng vai trò hàng đầu về điện nguyên tử là Hàn Quốc, trong tuần này cũng vừa cho biết vẫn quyết tâm theo đuổi tham vọng hạt nhân và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ của họ.

Còn ở Việt Nam, hiện có kế hoạch xây tổng cộng 8 nhà máy hạt nhân trong vòng 20 năm tới, với nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014. Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cũng vừa trả lời hãng tin Dow Jones Newswires rằng tai nạn hạt nhân ở Nhật Bản sẽ không có ảnh hưởng gì đến các kế hoạch điện nguyên tử ở Việt Nam.

Nhưng dầu sao, nguy cơ một Tcherbonyl thứ hai tại Nhật Bản cũng sẽ giảm bớt đà phát triển điện nguyên tử ở châu Á. Các tổ chức bảo vệ môi trường sẽ lấy ví dụ của Nhật Bản để chứng minh cho những hiểm họa của năng lượng hạt nhân. Lập luận rất đơn giản: Người Nhật có tiếng là kỹ lưỡng nhất châu Á. Nếu họ mà còn không bảo đảm được an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân thì đúng là rất đáng lo ngại.

Tại Ấn Độ, hôm qua, Thủ tướng Manmohan Singh đã ra lệnh kiểm tra an toàn của hai lò phản ứng hạt nhân hiện có ở nước này. Ngay cả Trung Quốc cũng cho biết sẽ “rút ra những bài học” từ cuộc khủng hoảng ở Nhật.

Một số quốc gia đang dự tính lao vào việc phát triển năng lượng hạt nhân thì bây giờ tỏ ra do dự. Chẳng hạn như Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hôm Chủ nhật vừa qua tuyên bố với các phóng viên rằng : “Thái Lan đang nghiên cứu vấn đề này, nhưng những gì xảy ra ở Nhật Bản chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến quyết định có nên xây các nhà máy điện nguyên tử ở Thái Lan hay không”.

Ở nước Malaysia láng giềng, cũng đang dự định xây hai nhà máy hạt nhân, chính quyền đang trấn an rằng phải mất ít nhất một thập kỷ các nhà máy đó mới hoàn tất, bởi vì họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng, và họ sẽ không làm một cách bí mật mà sẽ thông báo công khai cho người dân.

14/3/11

Tranh luận chung quanh những lời kêu gọi Cách Mạng Hoa Lài ở Việt Nam. Phỏng vấn nhà báo Nguyễn Minh Cần, Matxcơva

Thanh Phương 14/3/2011
 
Vụ trung tá công an Nguyễn Văn Ninh phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh ông Trịnh Xuân Tùng một cách dã man ngày 28/2 khiến ông gẩy cổ và chết ngày 8/3 đã một lần nữa gây phẩn nộ dư luận Việt Nam, nhất là vì nó xảy ra tiếp theo sau nhiều vụ khác.

Theo tờ Dân Trí, trong năm 2010, công an tại Việt Nam đã đánh chết 15 người dân, chưa kể nhiều người khác bị đánh thương tích trầm trọng.Chỉ mới gần đây mới thấy có một vụ một thiếu úy công an ở Bắc Giang bị kết án tù 7 năm trong phiên tòa ngày 2/3/2011 vừa qua vì đánh chết một người không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe gắn máy hồi tháng 7 năm ngoái.

Nạn bạo hành của công an đang dần trở thành một trong những yếu tố làm tăng thêm sự bất mãn của người dân Việt Nam đối với chính quyền, bên cạnh những vụ cướp đất, nạn tham nhũng, lạm quyền, dẫn đến những cuộc biểu tình, tập hợp, hay những vụ khiếu kiện tập thể.

Nhìn thoáng qua thì có vẻ như ở Việt Nam, điều kiện đã chín mùi cho một cuộc Cách Mạng Hoa Lài như ở Tunisia. Nhưng cho tới nay, vì ở Việt Nam chưa có quyền tự do biểu tình, cũng như tự do lập hội, tự do công đoàn, lại càng không có tổ chức chính trị đối lập, cho nên, khả năng xảy ra một cuộc Cách Mạng Hoa Lài rất khó, mặc dù trên mạng Internet trong những ngày qua đã lan truyền nhiều lời kêu gọi người dân Việt Nam noi gương nhân dân Tunisia, Ai Cập xuống đường đòi dân chủ. Theo nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Matxơva, những lời kêu gọi như vậy là quá sớm.

Nhà báo Nguyễn Minh Cần: Cao trào cách mạng nổ ra ở Tunisia và Ai Cập gây ra chấn động về mặt tinh thần rất lớn cho các dân tộc đang sống dưới sự cai trị độc tài. Nhưng mình phải hiểu rằng hoàn cảnh mỗi nước khác nhau rất nhiều, cho nên, kêu gọi dân Việt Nam vùng lên nổi dậy trong tình hình này theo tôi là quá sớm, không hợp thời và có thể là không có lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước. 

Vì sao tôi nói như vậy? Vì nếu ta muốn vận động cho một cuộc vùng lên ở trong nước, thì phải xem điều kiện chủ quan, điều kiện khách quan là như thế nào, dân chúng đã có nhận thức đầy đù rằng họ phải đứng lên chưa? Các tổ chức trong phong trào đã chuẩn bị sẳn sàng để làm việc đó chưa? Đó là hai điều cần phải suy nghĩ. 

Tất nhiên những điều kiện khác như, người dân bị khổ sở, thất nghiệp, bị áp bức, đều có cả, nhưng muốn làm một cuộc nổi dậy thì tôi tin rằng trong tình hình hiện nay ta chưa có đầy đủ điều kiện. Cho nên, trong các bài viết của tôi, tôi có nói một tinh thần này: không nên đùa với cách mạng, với nổi dậy. Đó là việc nghiêm trọng. Phải có chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần, về mặt tổ chức, cho quần chúng nhân dân, cho những nhà dân chủ, thì lúc đó mới làm được. Đừng nên nghĩ rằng ở ngoài cứ kêu gào như vậy, thì ở trong dân chúng sẽ nổi dậy. Quan niệm như vậy là ngây thơ quá. 

RFI: Thưa ông Nguyễn Minh Cần, trong điều kiện hiện nay, còn thiếu nhiều yếu tố để dẫn đến Cách mạng Hoa Lài, chúng ta có thể làm được những gì để chuẩn bị các tiền đề cho một cuộc cách mạng như vậy?

Nhà báo Nguyễn Minh Cần: Trong điều kiện mình chưa có tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do tổ chức, việc chuẩn bị khó khăn hơn, nhưng không phải là hoàn toàn bế tắc. Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ về mặt truyền thông cũng sẽ làm được và ngay cả ở trong nước, một số cơ quan ngôn luận cũng phát hành được. Tờ Tự do Ngôn luận của khối 8406, tờ Tổ Quốc, tờ Tự do Dân chủ, v.v. . ., vẫn được bí mật phát hành. Điều đó cho thấy rằng không phải là hoàn toàn bế tắc.

Cho dù là trong chế độ toàn trị,người ta cũng không nắm hết tất cả. Ngay cả ở Liên Xô, thời kỳ khó khăn nhất, cơ quan an ninh KGB cũng kiểm soát chặt chẽ không kém gì Việt Nam, nhưng vẫn có những hoạt động tuyên truyền để thúc đấy tinh thần dân chúng. Điều đó chứng tỏ là không hoàn toàn bế tắc.

RFI: Thưa ông Nguyễn Minh Cần, trong các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập, người ta thấy có vai trò rất lớn của giới trẻ. Giới trẻ Việt Nam có sẽ noi gương các bạn đồng lứa ở những nước đó?

Nguyễn Minh Cần: Ở thế kỹ 21 này, vai trò của giới trẻ, nhất là giới trẻ có kiến thức, có kỹ thuật, là rất lớn. Chính nhờ những phương tiện hiện đại nhất mà người ta phá được bức tường ngăn cấm của chế độ toàn trị. Đa số thanh niên hiện nay ham chơi những trò vớ vẩn, đua đòi thứ này, thứ khác, nhưng phải thấy rằng cũng có rất nhiều thanh niên có ý thức yêu nước rõ ràng, có óc tự do dân chủ. Lý tưởng đó đang dần dần mạnh lên.

Nhiều cháu đã viết thư cho tôi, hưởng ứng những gì tôi viết, nói rằng họ cũng muốn chuẩn bị những gì đó để xứng đáng với vai trò của họ. Cho nên tôi rất mừng cho giới trẻ mình. Họ không tồi đâu. Họ có những khả năng hơn cả giới trẻ ở Tunisia và Ai Cập, vì số người được học hành cao hơn Tunisia, số lượng người sử dụng Internet cũng cao hơn. Sẽ có ngưòi phản bác rằng: đa số lên mạng chỉ để sem sex hoặc thứ này, thứ nọ. Cái đó cũng đúng, nhưng tỷ lệ sẽ tăng lên khi lòng của người ta thiết tha với dân chủ, khi lòng của người ta thiết tha với đất nước. Bây giờ sắp có một tai họa mới đó là sự xâm lăng của Trung Quốc về mọi mặt. Lúc bấy giờ, sự chuyển hướng của người ta rất là nhanh chóng. Cho nên, tôi rất tin tưởng vào khả năng của giới trẻ Việt Nam.

RFI: Quá khứ cho thấy là Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có khả năng thích ứng rất cao, tức là khi thấy tình hình gây cấn quá mức, họ có thể có một số nhượng bộ, một số biện pháp nới lỏng, để làm dị bớt sự công phẩn, sự bất bình của người dân. Liệu họ có thể hóa giải được mầm móng của một cuộc cách mạng ở Việt Nam?

Nguyễn Minh Cần: Phải nói rằng những người lãnh đạo Đảng và chính quyền hiện nay cũng có những sự mềm dẽo. Mềm dẽo để mà tồn tại. Nhưng trước mắt, khi phong trào chưa mạnh lắm thì họ vẫn dùng chiến lược đàn áp cực kỳ thô bạo. Họ cũng học kinh nghiệm của Trung Quốc. Vừa qua, khi họp Quốc hội, các bài diễn văn của thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho thấy là họ có phải những biện pháp để tháo gỡ ngòi nỗ, chẳng hạn như giảm sự cách biệt giàu nghèo. Không biết kết quả ra sao, nhưng họ đã bắt đầu làm như thế.

Lãnh đạo của Việt Nam thường theo học Trung Quốc nên họ cũng sẽ tìm những biện pháp để giải quyết những mâu thuẩn có thể bùng nổ. Còn khi mà phong trào ở Việt Nam lên mạnh thì họ cũng sẽ có những biện pháp lùi bước để làm dịu bớt phong trào. Họ cũng học các nước Bắc Phi, chẳng hạn như ở Maroc, quốc vương vừa tuyên bố sẽ thay đổi Hiến pháp một cách cơ bản. Ở Ai Cập cũng vậy, họ đang lùi từng bước và hiện đang tranh cãi với nhau về vấn đề xóa bỏ cơ quan an ninh củ. để lập một cơ quan an ninh mới, trong sạch hơn. Với sức ép của quần chúng, ngưòi ta sẽ lùi dần từng bước.

Đó là một quá trình, chứ không phải là một lúc mà mình có thể làm được tất cả. Qua những bài tôi viết, tôi chỉ mong là bà con mình nên nhìn vào thực tế và nếu anh em dân chủ muốn thắng lợi thì phải chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng cho quảng đại quần chúng về mặt tổ chức và nhiều mặt khác, để có một thực lực có khả năng gánh vác trách nhiệm lớn lao là khơi dậy phong trào cách mạng trong nước. Tôi hy vọng là đồng bào ở hải ngoại tích cực giúp đở phong trào trong nước bằng những biện pháp khác, chứ không phải bằng những lời kêu gọi ầm ĩ như vậy, có thể có tác động không tốt, mà trái lại nhiều khi gây cho người cầm quyền càng cảnh giác hơn, càng khắc nghiệt hơn, vì họ cũng sợ vậy!

Hiện nay, đang có mấy cuộc biểu tình, mấy cuộc đình công, rồi tình trạng cướp đất đai nhà cửa, cũng thúc đẩy những đồng bào mà người ta gọi là dân oan, đứng dậy đấu tranh. Cứ như vậy, nâng cao dần sự hiểu biết, phá tan dần nổi sợ hải rất trầm trọng của người dân, phá tan dần tinh thần vô cảm của con người, thờ ơ trước những cảnh bất công. Dần dần như thế, ý thức của quần chúng mới lên được.

RFIXin cám ơn ông Nguyễn Minh Cần.

12/3/11

Việt Nam vẫn nằm trong số 10 quốc gia bị coi là kẻ thù của Internet

Logo của Phóng viên không biên giới (RSF) nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt internet 12/03/2011.
Logo của Phóng viên không biên giới (RSF) nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt internet 12/03/2011.
Thanh Phương 12/3/2011
 
Hôm nay, 12/03/2011, nhân Ngày thế giới chống kiểm duyệt trên Internet, do Phóng viên không biên giới (RSF) phát động, tổ chức này đã công bố một báo cáo về tình hình tự do ngôn luận trên mạng. RSF nêu tên 10 nước bị xem là kẻ thù của Internet - trong đó có Việt Nam - và 16 nước nằm trong danh sách cần theo dõi, bao gồm cả nước Pháp.

Sau sự sụp đổ của các chế độ độc tài Ben Ali và Mubarak, hai nước Tunisia và Ai Cập đã được Phóng viên không biên giới rút khỏi danh sách các quốc gia kẻ thù Internet. Nhưng hai nước này vẫn nằm trong danh sách cần theo dõi bởi vì « các thành quả cách mạng cần được củng cố và các quyền tự do cần phải được bảo đảm ».

Trong danh sách cần theo dõi cũng có ba quốc gia dân chủ là Pháp, Úc và Hàn Quốc, vì những nước này đã đề ra những biện pháp có thể gây những hậu quả tiêu cực cho quyền tự do ngôn luận trên mạng.

Theo nhận định của Phóng viên không biên giới, trong năm 2010, các mạng xã hội và Internet nói chung, đã thật sự trở thành những công cụ huy động và chuyển tải thông tin. Nhưng Internet cũng có hai mặt lợi và hại. Trong những nước độc đoán nhất, Internet tạo ra một không gian tự do. Tiềm năng phổ biến rộng rãi các thông tin gây khó chịu cho những chế độ độc tài và vô hiệu hóa những phương pháp kiểm duyệt thông thường. Không chỉ được các nhà bất đồng chính kiến sử dụng, Internet cũng là công cụ để các chế độ độc đoán quảng bá những luận điểm tuyên truyền chính thức và tăng cường kiểm soát người dân.

Riêng Việt Nam năm nay vẫn nằm trong danh sách các quốc gia kẻ thù của Internet, cùng với những nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Cuba, Iran, Ả Rập Xê Út, Turkmenistan, Uzbekistan, Syria.

Trong phần nói về Việt Nam, Phóng viên không biên giới nhận định rằng, vốn đã có một đợt đàn áp nặng nề nhắm vào những người hành xử quyền tự do ngôn luận. Đại hội Đảng lần thứ 11 vào tháng Giêng vừa qua đã đánh dấu một thái độ cứng rắn hơn của chính quyền đối với những người chỉ trích chế độ. Các vụ tấn công tin học, phần lớn là dưới hình thức « Từ chối Dịch vụ » ( DDoS ) xảy ra ngày càng nhiều nhằm bịt miệng những tiếng nói đối lập trên mạng. Blogger trở thành một « nghề » rất nguy hiểm.

Phóng viên không biên giới nhắc lại là trong quý đầu năm 2010, chính quyền đã gia tăng áp lực lên các cộng tác viên của tờ Tổ Quốc, một tờ báo đối lập phát hành trên mạng.

Tổ chức này cũng cho biết Việt Nam hiện là nhà tù lớn thứ hai thế giới về số người sử dụng Internet bị giam giữ vì lý do chính trị, với tổng cộng 18 người đang ngồi tù.

Ngoài ra, vào tháng 4/2010, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh cho quán cà phê Internet, các đại lý Internet ở Hà Nội phải cài đặt một phần mềm để chặn việc truy cập các trang Web có nội dung chính trị và kiểm soát chặt chẽ hơn người sử dụng Internet.

Vào đầu năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa ký ban hành Nghị định về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản, có hiệu lực trong tháng hai, với mức phạt lên tới 40 triệu đồng, đối với những phóng viên và blogger vi phạm.

Theo nhận định của Phóng viên không biên giới, những biện pháp kiểm soát nói trên phản ánh sự lo ngại của chế độ Hà Nội trước con số ngày càng đông đảo những người sử dụng Internet bày tỏ chính kiến công khai trên mạng, dùng nó như là một phương tiện để bù đắp sự thiếu tự do ngôn luận trong xã hội.

11/3/11

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ sẽ ra tòa ngày 24/03

Luật sư Cù Hà Huy Vũ (DR)
Luật sư Cù Hà Huy Vũ (DR)
Thanh Phương 11/3/11
 
Hôm nay, 11/03/2011, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vừa thông báo là ông Hà Vũ sẽ bị đem ra xử ngày 24/03 tới tại Tòa án Nhân dân Hà Nội, với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam », theo điều 88 Bộ luật hình sự. Với tội danh này, ông Hà Vũ có thể lãnh án tù lên tới 12 năm.

Ông Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt vào đầu tháng 11 năm ngoái tại Sài Gòn. Vào năm 2009, ông đã đệ đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một quyết định mà ông Hà Vũ cho là trái pháp luật.

Ông Hà Vũ cũng là tác giả nhiều bài viết về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam và đã trả lời phỏng vấn nhiều phương tiện truyền thông ở nước ngoài về các chủ đề này, nhưng đối với chính quyền Việt Nam, đó là những bài viết, bài trả lời phỏng vấn có nội dung « tuyên truyền chống Nhà nước CHXN Việt Nam ». Ông Hà Vũ còn bị coi là đã « đưa thông tin thất thiệt, vu khống, xúc phạm danh dự lãnh đạo Nhà nước, chính quyền ».

Ông Cù Huy Hà Vũ là con trai của nhà thơ Huy Cận và con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu. Năm 2006, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ từng ứng cử vào chức vụ Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin.

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà không tham gia bào chữa cho chồng, vì Tòa án Nhân dân Hà Nội đã rút quyết định tham gia tố tụng với tư cách luật sư của bà. Bà Dương Hà đã khiếu nại về việc rút quyết định đó. Cơ quan tố tụng đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bốn luật sư, trong đó có luật sư Trần Đình Triển và luật sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

10/3/11

Phiên xử hiệu trưởng mua dâm nữ sinh Hà Giang tiếp tục gây bất bình trong dư luận Việt Nam


DR
Thanh Phương 10/3/11
 
Ngày 10/03/11 Tòa án Nhân Dân Hà Giang mở phiên xử sơ thẩm lần hai vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm gái vị thành niên. Ông Xương bị tuyên án 9 năm tù giam. Hai nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thúy Hằng bị truy tố về hành vi môi giới mại dâm lãnh 36 và 30 tháng tù treo. RFI phỏng vấn LS Trần Đình Triển.

Ngoài bị cáo Sầm Đức Xương, cựu hiệu trưởng trường Vị Xuyên, ra tòa ngày hôm nay còn có hai nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thúy Hằng, bị truy tố về hành vi môi giới mại dâm. Nhưng trong khi bị cáo Sầm Đức Xương mời được luật sư Lâm Chí Tuệ ( Đoàn luật sư Vĩnh Phúc ) bảo vệ quyền lợi thì hai bị cáo Thúy và Hằng lại không có ai bào chữa. Đây là phiên xử kín, báo chí và ngay cả thân nhân của hai em Thúy và Hằng cũng không được vào dự. Luật sư Trần Đình Triển, người đã bảo vệ hai bị cáo Thúy và Hằng tại phiên phúc thẩm lần 1, đã không được tiếp tục bào chữa cho thân chủ của ông.

Kết thúc phiên xử chiều nay, Tòa án Nhân dân Hà Giang đã tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Hằng 36 tháng tù treo, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy 30 tháng tù treo. Hai bị cáo được thả ngay tại tòa. Còn ông Sầm Đức Xương thì bị tuyên án 9 năm tù giam.



Trả lời RFI chiều nay, luật sư Trần Đình Triển giải thích những lý do khiến phiên xử này tiếp tục gây bất bình trong dư luận :

« Đây là một phiên tòa gây bức xúc cho dân. Trước hết là do cái cách xử kín, thứ hai là báo chí cũng không được tham gia. Thậm chí những người xuất trình giấy tờ tại tòa, kể cả tôi, cũng không được vào tham dự phiên tòa, cho dù không phải với tư cách luật sự bào chữa. Họ trả lời một cách rất là vô pháp luật : tòa án ngày hôm nay và ngày mai không làm việc ! 

Sau đó, chúng tôi có sang làm việc với tỉnh ủy để xin gặp bí thư hoặc thường trực tỉnh ủy hoặc cơ quan có thẩm quyền, để nói rằng đây là một phiên tòa gây bức xúc cho dân. 

Đấy là diễn biến ngoài phiên tòa, còn hôm nay (10/3/11), kết quả tuyên án vẫn gây bất bình cho dân. Trước hết, hai cháu không có tội mà vẫn xử cho có tội. Các cháu khác cũng có hành vi tương tự như cháu Thúy và cháu Hằng lại không bị truy tố. Ông Sầm Đức Xương thì bị 9 năm, nhưng những người khác cũng mua dâm các cháu thì lại đứng ngoài vòng pháp luật. 

Bản án được tuyên gây lên một bức xúc trong dư luận, người dân không đồng tình, cho rằng vẫn để lọt tội phạm rất nhiều. Việc xử không nghiêm khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Giang. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương phải xem xét lại toàn bộ vụ án này và phải xử nghiêm minh, không để lọt tội phạm và bảo đảm bình đẳng trước pháp luật. 

Cháu Hằng bị xử 36 tháng tù, cho hưởng án treo. Cháu Thúy 30 tháng tù, cho hưởng án treo. Những cháu khác có hành vi như Thúy và Hằng thì bản án nói rằng chỉ cần giáo dục là đủ, chứ không cần phải truy tố. Còn những vị quan chức cũng như ông Sầm Đức Xương, có tên trong danh sách theo lời khai của các cháu thì không ai đả động đến. 

Nói tóm lại, phiên tòa hôm nay rất lạ lùng, vì mẹ của hai cháu đứng khóc từ sáng đến giờ cũng không được vào. » 

Tại phiên phúc thẩm tháng 1 năm ngoái, hai bị cáo Thúy và Hằng đã khai một danh sách đen gồm nhiều quan chức địa phương đã từng mua dâm khi các em chưa đến tuổi thành niên. Trong danh sách này có chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô.

Nhưng sau hơn 10 tháng điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Giang vẫn xác định « chưa có cơ sở xử lý hình sự » những người bị nêu tên về hành vi mua dâm người chưa thành niên theo lời khai của Hằng và Thúy. Ông Xương cùng hai học trò tiếp tục bị giữ nguyên tội danh và điều khoản truy tố.

Xin nhắc lại là vào tháng 11/2009, Tòa án Nhân dân huyện Vị Xuyên tuyên phạt ông Sầm Đức Xương Xương 10 năm 6 tháng tù. Hằng và Thúy nhận án lần lượt 6 và 5 năm tù.Không đồng ý với phán quyết trên, các bị cáo chống án. Do có tình tiết mới là danh sách các vị quan chức mua dâm trẻ vị thành niên và do phát hiện vi phạm tố tụng khác, trong phiên xử phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Hà Giang tuyên hoãn phiên xử, yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Cha Nguyễn Văn Lý có thể trở lại trại giam

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa tổng giám mục Huế
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa tổng giám mục Huế
http://tonggiaophanhue.net
Thanh Phương 10/3/2011
 
Ngày 10/03/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố : chiếu theo luật pháp hiện hành, nếu sức khoẻ của ông cho phép, linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ phải trở vào trại giam sau khi hết hạn tự do tạm.

Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh : dường như tình trạng sức khoẻ của cha Lý đã ổn định, nhưng không biết rõ là đã có quyết định gì về vị linh mục này chưa.

Là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, một trong những người sáng lập khối 8406, cha Nguyễn Văn Lý đã bị tuyên án 8 năm tù giam vào năm 2007 với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », nhưng đã được tạm hoãn thi hành án trong 1 năm để chữa bệnh. Trên nguyên tắc, cha Lý sẽ phải trở lại trại giam ngày 15/03/2011.

Trường hợp của linh mục Nguyễn Văn Lý tiếp tục gây sự chú ý của quốc tế. Cách đây vài tuần, Ân Xá Quốc Tế đã từng báo động dư luận về nguy cơ cha Lý bị giam trở lại mặc dù sức khoẻ suy yếu. Trong một bản thông cáo báo chí công bố hôm 08/03/2011, Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng đã yêu cầu Hà Nội không đưa linh mục Nguyễn Văn Lý trở lại nhà tù sau khi hết hạn tự do tạm.

Theo hãng tin AFP, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền Daniel Baer gần đây đã gặp các giới chức Việt Nam và đã đề cập đến tình trạng của cha Lý. Tuyên bố với báo chí, ông cho biết là chính phủ Mỹ tiếp tục kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho linh mục Nguyễn Văn Lý.

Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma rời bỏ vai trò chính trị


Đức Đạt Lai Lạt Ma
REUTERS
Thanh Phương 10.3.11
 
Trong một bài diễn văn đọc tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ, nơi đặt chính phủ lưu vong của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm nay (10/03/11) đã chính thức loan báo ý định từ bỏ vai trò chính trị, để nhường chỗ cho một lãnh đạo mới « được bầu lên một cách tự do ».

Đức Đại Lai Lạt Ma thông báo là vào phiên họp của Quốc hội Tây Tạng vào tuần tới, Ngài sẽ đệ trình một sửa đổi theo hướng nói trên, nhưng nói rõ : việc chuyển giao quyền hành không có nghĩa là Ngài từ bỏ trách nhiệm.

Đã nhiều lần Đức Đạt Lai Lạt Ma, năm nay đã 75 tuổi, nhắc đến việc rời khỏi cương vị lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong, nhưng vẫn không từ bỏ vai trò lãnh đạo tinh thần.

Khi được chọn làm « quốc trưởng » vào năm 1950, sau khi quân cộng sản Trung Quốc chiếm Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ vừa tròn 15 tuổi. Ngài đã buộc phải chạy khỏi Trung Quốc sang tỵ nạn ở Dharamsala, Ấn Độ, sau thất bại của cuộc nổi dậy năm 1959 chống ách đô hộ Trung Quốc. Ngày 10/3 chính là ngày kỷ niệm cuộc nổi dậy bất thành này.

Hôm nay, Đức Lạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng : « Ngay từ những năm 1960, tôi vẫn luôn nói rằng Tây Tạng cần phải có một lãnh đạo do nhân dân bầu lên một cách tự do, để tôi có thể chuyển giao quyền hành. Nay đã đến lúc thực hiện điều này. ». Nhưng Ngài nhấn mạnh là sẽ không rút khỏi cuộc đấu tranh chính trị và sẽ vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò của Ngài « vì chính nghĩa của Tây Tạng ».

Được dân Tây Tạng tôn thờ, được phương Tây ngưỡng mộ, từ lâu Đức Lạt Lai Lạt Ma được cả thế giới xem như là biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tây Tạng và biểu tượng của các giá trị Phật giáo. Dù tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn chu du khắp thế giới để vận động cho chính nghĩa Tây Tạng.

Chủ thuyết đấu tranh bất bạo động cũng như những giáo huấn Phật giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa Ngài trở thành một nhân vật có tầm cỡ ngang hàng với Mahatma Ghandi hay Martin Luther King. Chính nhờ ánh hào quang luôn tỏa sáng của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà quốc tế tiếp tục chú ý đến số phận của dân tộc Tây Tạng, nhất là kể từ khi Ngài được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989.

Nhưng về phía Bắc Kinh thì xem Ngài như là một một kẻ ly khai nguy hiểm, cho dù Đức Đại Lạt Ma vẫn nói rõ là bây giờ Ngài chỉ mong cho Tây Tạng được tự trị về văn hóa, chứ không hoàn toàn độc lập với Trung Quốc. Vài giờ sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma loan báo ý định rời bỏ vai trò chính trị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố đây chỉ là một « mưu mẹo » để « đánh lừa cộng đồng quốc tế ».

Người ta vẫn sợ rằng, nếu chẳng may Đức Đạt Lạt Ma qua đời, người Tây Tạng sẽ không còn đoàn kết đấu tranh như hiện nay, mà sẽ bị phân hóa. Nên nhớ rằng trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong, đặc biệt là trong giới trẻ, vẫn tồn tại một xu hướng cực đoan hơn nhiều so với đường lối trung dung của Ngài.

Theo truyền thống, việc tìm một Đạt Lai Lạt Ma mới là do các vị Lạt Ma cao cấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng tiến hành, nhưng chính phủ Bắc Kinh gần đây nói rõ chính họ sẽ nắm quyền quyết định cuối cùng về việc chọn người tái sinh Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, sinh ra vào năm 1391.

8/3/11

Lập vùng cấm bay hay cấp vũ khí cho đối lập Libya : 2 giải pháp đều gặp trở ngại

Phòng không của quân nổi dậy tại thành phố Ras Lanuf, 07/03/2011.
Phòng không của quân nổi dậy tại thành phố Ras Lanuf, 07/03/2011.
REUTERS/Asmaa Waguih
Thanh Phương8/3/2011
 
Trước đà phản công ngày càng dữ dội của quân Kadhafi, phương Tây đang nỗ lực tìm cách trợ giúp lực lượng nổi dậy ở Libya. Nhưng cả hai phương án : lập vùng cấm bay hay cung cấp vũ khí cho phe đối lập, đều gặp nhiều khó khăn.

Pháp và Anh hiện đang phối hợp chuẩn bị một dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngay từ tuần này, về việc lập một vùng cấm bay ở Libya để ngăn không cho quân Kadhafi tiếp tục oanh tạc vào quân nổi dậy.

Trước hết, về mặt kỹ thuật, NATO có đầy đủ phương tiện để bảo đảm một vùng cấm bay trên không phận Libya, vì khối này có thể sử dụng nhiều máy bay và căn cứ ở Địa Trung Hải. Hiện giờ, trở ngại ở đây chính là về mặt chính trị và quân sự.

Cả ba nước Pháp, Anh và Đức đều nhấn mạnh là, một vùng cấm bay chỉ có thể được thiết lập trong khuôn khổ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và phải được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong khu vực. Hiện giờ, kế hoạch lập vùng cấm bay đã nhận được sự đồng tình của Liên đoàn Ả Rập, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Hội đồng các nước vùng Vịnh.

Nhưng cho đến nay, ngay cả Hoa Kỳ cũng chưa dứt khoát chọn phương án nào. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc, 2 trong số 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, chưa chắc đã ủng hộ giải pháp lập vùng cấm bay. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm qua đã tuyên bố: « Chúng tôi không nghĩ rằng sự can thiệp của nước ngoài, nhất là can thiệp quân sự, có thể giúp giải quyết khủng hoảng ở Libya. Người Libya phải tự giải quyết các vấn đề của họ ». Nói chung, cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều không muốn thấy lực lượng quân sự phương Tây can thiệp vào bất cứ nơi nào, vì sợ rằng điều này sẽ trở thành một tiền lệ.

Mặt khác, theo các chuyên gia quân sự, muốn có hiệu quả, việc thiết lập một vùng cấm bay đòi hỏi phải tiêu diệt hệ thống phòng không của Libya. Câu hỏi đặt ra là, phương Tây có sẵn sàng mở các cuộc oanh tạc vào nước này hay không ? Nếu có, thì trên một lãnh thổ mênh mông như Libya, không dễ gì mà tiêu diệt hết các dàn súng phòng không và như vậy máy bay của khối NATO sẽ gặp nhiều hiểm nguy.

Hơn nữa, theo một số chuyên gia, trong các đợt phản công vào quân nổi dậy, chưa hẳn là không quân Libya đóng vai trò quyết định. Nói cách khác, lập vùng cấm bay có thể không giúp được nhiều cho phe chống Kadhafi. Thành ra, tốt hơn là nên cung cấp vũ khí, pháo hạng nặng và xe tăng cho quân nổi dậy, như yêu cầu của một số chính khách có thế lực, thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Hoa Kỳ.

Hôm qua, phát ngôn viên Nhà trắng cho biết trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Libya là một « khả năng » đang được nghiên cứu, nhưng hiện giờ, còn « quá sớm » để thực hiện phương án này. Hơn nữa, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Libya sẽ bị xem là trái pháp luật đối với Hoa Kỳ, vì như vậy là vi phạm lệnh cấm vận mà Liên hiệp quốc vừa ban hành vào tuần trước.

Hiện giờ, Hoa Kỳ đang tìm cách tiếp xúc với phe nổi dậy ở Libya để tìm hiểu về các tổ chức, các cá nhân trong phe này, cũng như để biết rõ là họ thật sự muốn gì, trước khi quyết định có nên giúp vũ khí hay không.


Ngày thứ năm tới, 10/3/11, các bộ trưởng Quốc phòng khối NATO sẽ họp lại ở Bruxelles để bàn về tình hình Libya. Hôm qua, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương, Anders Fogh Rasmussen, xác nhận là khối này sẽ xem xét mọi kịch bản để sẳn sàng hành động, nhưng ông nói rõ là, NATO sẽ không can thiệp vào Libya nếu không có sự ủy nhiệm của Liên hiệp quốc.

7/3/11

Tác động của “Cách Mạng Hoa Lài” đối với Việt Nam


Biểu tình ngày 6/1/2011 tại Yemen đòi tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Yemen là một trong những quốc gia đầu tiên noi gương " Cách Mạng Hoa Lài"
Biểu tình ngày 6/1/2011 tại Yemen đòi tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Yemen là một trong những quốc gia đầu tiên noi gương " Cách Mạng Hoa Lài"
Reuters
Thanh Phương  7/3/2011
 
Phong trào phản kháng xuất phát từ Tunisia, được mệnh danh là Cách Mạng Hoa Lài, rồi lan sang Ai Cập, Libya và nhiều nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi, đã được so sánh như là sự kiện bức tường Berlin sụp đổ lần thứ hai và không ít thì nhiều, nó cũng có tác động đến những chế độ độc tài độc đảng như Trung Quốc và Việt Nam.

Noi gương Cách Mạng Hoa Lài, trên mạng Internet, trong những ngày qua, một số cá nhân và tổ chức đã phát đi những lời kêu gọi biểu tình đòi dân chủ ở Việt Nam. Tiêu biểu là « Lời kêu gọi toàn dân xuống đường cứu nước » của bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Khối 8406 ngày 21/2 vừa qua đã ra Bản tuyên bố, nhận định về các sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông và qua đó kêu gọi người dân mạnh dạn giành lấy quyền dân chủ của mình. Một « nhóm bạn trẻ trong và ngoài nước », cũng phổ biến trên Internet một lời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân ở Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/2, vào mỗi chiều chủ nhật, tập hợp tại một địa điểm ở các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẳng, Hải Phòng, Nha Trang.

Hiện giờ, chưa có ai dám hưởng ứng những lời kêu gọi đó, một phần cũng là vì chính quyền đã tìm đủ mọi cách để ngăn chận mọi phong trào phản kháng, bằng cách bắt lên thẩm vấn bác sĩ Nguyễn Đan Quế, mời lên làm việc hoặc sách nhiễu một số blogger hay tăng cường kiểm duyệt Internet. Vụ câu lưu bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị phía Hoa Kỳ phản đối kịch liệt cho nên chỉ một ngày sau, dưới áp lực của quốc tế, chính quyền đã tạm thả bác sĩ Quế, tuy vẫn tiếp tục điều tra về cái gọi là « hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân » của nhà đối lập này. Nhưng theo tin của trang mạng “Dân Làm Báo” (danlambao.com), bác sĩ Quế đã tuyên bố vào ngày 1/3/2011 tại trụ sở công an rằng ông quyết định chấm dứt “làm việc” với bất cứ cơ quan, tổ chức nào của chính quyền.

Báo chí chính thức trong những ngày qua cũng đã đăng nhiều bài nhằm tìm cách hóa giải tác động của Cách Mạng Hoa Lài. Chẳng hạn như tờ Tạp Chí Cộng Sản hôm 25/2/11 vừa qua đã đăng trên mạng một bài có tựa đề « Vì sao người ta đòi Việt Nam không được « hạn chế Internet » ? », cố chứng minh rằng những phong trào phảng kháng ở Bắc Phi và Trung Đông chính là do Hoa Kỳ và phương Tây đứng đằng sau giựt dây, để lấy cớ can thiệp vào những quốc gia có nhiều dầu hỏa này.

Một dấu hiệu cho thấy chính quyền lo ngại sẽ bộc phát những phong trào biểu tình ở Việt Nam, đó là theo tin của Tờ Công An Nhân Dân ngày 23/2, công an Việt Nam đã mở một cuộc diễn tập tại tỉnh Bình Thuận đối phó với tình huống « Biểu tình, phá rối an ninh trật tự tại cổng trụ sở UBND tỉnh », do những người bị xem là « đối tượng quá khích » lợi dụng bức xúc của người dân về quyền lợi khi bị thu hồi đất để kích động. Thị sát cuộc diễn tập này là trung tướng Trần Đại Quang, uỷ viên Bộ Chính trị, thứ trưởng Bộ Công an và các lãnh đạo tỉnh ủy tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, nơi thường xảy ra các vụ khiếu kiện tập thể của nông dân.

Trong tình thế hiện nay, khả năng xảy ra một cuộc « Cách Mạng Hoa Sen » có lẻ là rất khó, nhưng dầu sao, làn sóng tự do đang thổi qua Trung Đông và Bắc Phi chắc chắn sẽ có tác động đến ý thức dân chủ của người dân Việt Nam, nhất là lớp trẻ và nó cũng sẽ buộc chính quyền phải chấp nhận một số thay đổi về chính trị để xoa dịu dân chúng, vốn ngày càng bất mãn trước nạn lạm quyền, tham nhũng, cách biệt giàu nghèo quá lớn và nay lại gặp vật giá leo thang.

6/3/11

Philippines tìm cách cân bằng lại quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc

Kể từ khi ông Benigno Aquino lên nắm quyền, Manila quay trở lại hướng dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn (Reuters)
Kể từ khi ông Benigno Aquino lên nắm quyền, Manila quay trở lại hướng dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn (Reuters)
Thanh Phương 5/3/2011
 
Ngày 2/3 vừa qua, Manila đã điều hai phi cơ đến để đuổi tàu chiến của Trung Quốc đang hăm dọa một chiếc tàu thăm dò của Philippines trên vùng biển Đông. Sự kiện này xảy ra vào lúc quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh  đang xấu đi và cũng trong bối cảnh Manila tìm cách cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Theo lời kể của trung tướng Juancho Sabban, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây, ngày hôm đó, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã áp sát một chiếc tàu của một công ty dầu khí tư nhân Philippines, lúc ấy đang thăm dò địa chấn ở Reed Bank, nằm giữa quần đảo Trường Sa và mỏ khí đốt Malampaya ngoài khơi Philippines. Tàu Trung Quốc ra lệnh cho tàu Philippines ngừng thăm dò và rời khỏi khu vực này.

Khi nhận được lời kêu cứu, Không quân và Hải quân Philippines liền điều động một oanh tạc cơ và một máy bay loại nhẹ bay ngay đến Reed Bank. Khi bay đến nơi thì hai tàu Trung Quốc đã bỏ chạy. Tướng Sabban tuyên bố « Chúng tôi không để cho ai bắt nạt. Đây là lãnh thổ của chúng tôi. Nếu họ doạ nạt chúng tôi, thì ngay cả trẻ con cũng sẽ chống trả ».

Hôm qua, tổng thống Aquino đã ra lệnh cho tàu tuần duyên Philippines hộ tống chiếc tàu để bảo vệ chiếc tàu thăm dò bị phía Trung Quốc sách nhiễu ở khu vực Reed Bank.

Về phía Trung Quốc dĩ nhiên là đã bác bỏ những lời tố cáo của phía Philippines và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên toàn bộ quần đảo Trường Sa ( mà Trung Quốc gọi là Nam Sa ) và vùng biển lân cận.

Khi trả lời báo chí hôm qua, phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines đã tự hỏi không hiểu vì sao Trung Quốc lại xâm nhập Reed Bank, vốn không phải là khu vực đang tranh chấp. Thật ra thì việc thăm dò dầu khí ở Reed Bank đã bị dừng lại từ thập niên 1980 do cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều đòi chủ quyền ở khu vực này. Năm 2002, chính phủ của tổng thống Gloria Arroyo đã từng nhượng quyền thăm dò khu vực Reed Bank cho công ty dầu khí Anh quốc Sterling Energy, nhưng công ty này cho tới nay chưa thể khai thác dầu khí tại đây.

Sự kiện máy bay Philippines đuổi tàu Trung Quốc ở Reed Bank diễn ra trong bối cảnh mà Manila đang thay đổi đường lối ngoại giao đối với Trung Quốc. Kể từ năm 2004, chính quyền của tổng thống Arroyo đã dần dần chuyển hướng, bớt thân thiện với Hoa Kỳ và nghiêng về phía Trung Quốc. Vào năm 2004, bà Arroyo đã ký hiệp định ba bên với Trung Quốc và Việt Nam về thăm dò địa chấn chung. Ba nước đã thực hiện thăm dò chung cho đến năm 2008.

Nhưng ngay sau khi hiệp định nói trên hết hạn vào đầu năm 2008, tháng hai năm đó, dư luận Philippines đã rất bất bình sau khi tạp chí Far Eastern Economic Review tiết lộ là trong bản hiệp định nói trên, chính quyền Arroyo đã có rất nhiều nhân nhượng, cho phép thăm dò chung ở cả những phần thềm lục địa mà Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không đòi chủ quyền.

Kể từ khi tổng thống Benigno Aquino lên nắm quyền cách đây tám tháng, chính sách ngoại giao của Philippines đã quay trở lại hướng dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn, trong khi quan hệ với Trung Quốc thì đang xấu đi, phần lớn là do vụ giải cứu con tin khiến 8 du khách Hồng Kông thiệt mạng vào tháng 8 năm ngoái.

Chính trong bối cảnh này mà đầu tháng 2 vừa qua, chính phủ Aquino đã quyết định nhượng quyền khai thác dầu khí cho Forum Energy, một công ty mà trong đó 65% vốn là do công ty Filex nắm giữ. Chủ nhân của Filex chính là Manny Pangilian, một nhân vật đã hổ trợ hết mình cho tổng thống Aqino trong những ngày đầu ông này nắm quyền và cũng là nhân vật có quan hệ chặt chẽ với giới tài chính Hoa Kỳ.

Như vậy, có nhiều yếu tố đan xen với nhau giải thích vì sao có cuộc đụng độ giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông ngày 2/3 vừa qua. Một số nhà phân tích dự đoán là với đà bành trướng của Trung Quốc và với chính sách ngoại giao của Philìpines đang cân bằng lại theo hướng dựa vào Hoa Kỳ nhiều hơn, trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều vụ đụng độ khác trên biển Đông.

Chính quyền Việt Nam tìm cách ngăn chận các cuộc biểu tình

Vụ kỹ sư Phạm Thành Sơn tự thiêu ngày 17/2 ở Đà Nẵng (DR)
Vụ kỹ sư Phạm Thành Sơn tự thiêu ngày 17/2 ở Đà Nẵng (DR)
Thanh Phương 26/2/2011
 
Kể từ khi xảy ra cuộc Cách Mạng Hoa Lài ở Tunisia, đánh đuổi nhà độc tài Ben Ali, rồi cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập lật đổ chế độ Mubarak, trên mạng đã xuất hiện những lời kêu gọi người dân Việt Nam hưởng ứng phong trào dân chủ ở Bắc Phi và Trung Đông, trong đó có Khối 8406 và bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Ngày 21/2 vừa qua, Khối 8406, một tổ chức đấu tranh dân chủ bị cấm hoạt động ở Việt Nam đã ra Bản tuyên bố, nhận định về các sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông và qua đó kêu gọi người dân mạnh dạn giành lấy quyền dân chủ của mình. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một trong những nhà đối lập hàng đầu ở Việt Nam, từ Sài Gòn, cũng vừa ra « Lời kêu gọi toàn dân xuống đường cứu nước ».

Trang mạng DCV Online hôm qua cũng đã đăng tải lời kêu gọi của một "nhóm bạn trẻ trong và ngoài nước", kêu gọi mọi thành phần nhân dân ở Việt Nam bắt đầu từ ngày mai, vào mỗi chiều chủ nhật, tập hợp tại một địa điểm ở các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẳng, Hải Phòng, Nha Trang.

Chưa biết là những lời kêu gọi nói trên sẽ được hưởng ứng ra sao, nhưng chính quyền đang tìm cách ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc Cách Mạng Hoa Lài ở Vìệt Nam. Cụ thể là theo tờ Công An Nhân Dân ngày 23/2, công an Việt Nam đã mở một cuộc diễn tập tại tỉnh Bình Thuận đối phó với tình huống « Biểu tình, phá rối an ninh trật tự tại cổng trụ sở UBND tỉnh », do những người bị xem là « đối tượng quá khích » lợi dụng bức xúc của người dân về quyền lợi khi bị thu hồi đất để kích động.

Theo kịch bản diễn tập, hàng trăm người dân kéo về thành phố Phan Thiết ngày càng đông và trước « tình thế cấp bách », công an tỉnh được phép triển khai các biện pháp cứng rắn để trấn áp, giải tán đám đông « quá khích », với lực lượng tăng viện gồm hơn 100 cảnh sát cơ động dẫn theo chó nghiệp vụ, dùng vòi rồng, súng hơi cay.

Thị sát cuộc diễn tập này là trung tướng Trần Đại Quang, uỷ viên Bộ Chính trị, thứ trưởng Bộ Công an và các lãnh đạo tỉnh ủy tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, nơi thường xảy ra các vụ khiếu kiện tập thể của nông dân. Cuộc diễn tập được tiến hành sau khi trong những ngày qua, trên mạng đã lan truyền thông tin về vụ một kỹ sư ở Đà Nẵng, Phạm Thành Sơn tự thiêu ngày 17/2 trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh để phản đối chính quyền lấy đất và đền bù không thỏa đáng.

Báo chí chính thức ở Việt Nam thì đưa những thông tin rất khác nhau về sự kiện này, nhưng nói chung, đều cho đây là một « tai nạn », do nổ bình xăng xe máy. Trong những ngày qua, một số blogger có quan điểm độc lập cũng như một số nhà đấu tranh dân chủ đã bị công an mời lên làm việc hoặc bị khám nhà, tịch thu máy tính.

Chính phủ Việt Nam bắt đầu xem chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu

Đồng bạc Việt Nam lại bị phá giá thêm 8,5% so với đôla.
Đồng bạc Việt Nam lại bị phá giá thêm 8,5% so với đôla.
REUTERS/Kham
Thanh Phương 25/2/2001
 
Sau nhiều năm theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, nay chính phủ Việt Nam mới xem chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu với việc ban hành một loạt các biện pháp nhằm kiềm lại đà tăng giá, đang khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á mà lạm phát nghiêm trọng nhất, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này đã lên tới 12,31%, mức cao nhất từ hai năm qua. Theo dự báo, giá cá sẽ còn leo thang hơn nữa trong những tháng tới do tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu, cũng như biện pháp gần đây phá giá đồng bạc Việt Nam thêm 8,5% so với đôla.

Trong số các biện pháp được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua, có việc giới hạn mức tăng tín dụng trong năm nay ở mức chưa tới 20%, so với mức hơn 28% vào năm 2010. Thâm thủng ngân sách sẽ được giảm xuống mức dưới 5%, so với chỉ tiêu trước đây là 5,3%. Chính phủ cũng ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước để giảm bớt áp lực giảm giá lên tiền đồng.

Theo lời bà Sherman Chan, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, những biện pháp nói trên cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam nay mới nỗ lực kiểm soát nền kinh tế vẫn tăng nhanh. Bà Sherman Chan cho rằng : « Việt Nam nay đã đến một giai đoạn mà không thể quay trở lại các chính sách cũ và chúng tôi dự đoán sẽ có thêm những biện pháp thắt chặt tiền tệ trong những tháng tới».

Rõ ràng, theo nhận định của tờ nhật báo The Wall Street Journal, trong một bài báo đăng trên mạng hôm nay, vấn đề bây giờ là Việt Nam có chịu đựng nổi trong ngắn hạn những biện pháp thắt chặt như thế, hay là sẽ vội vã quay trở lại chính sách thúc đẩy tăng trưởng như cũ. Vào năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách cũng đã từng kềm chế lạm phát bằng biện pháp tăng lãi suất và hạ thấp mức tăng tín dụng. Nhưng khi tình hình có vẻ được cải thiện vào giữa năm, họ lại thả nổi mức tăng tín dụng và thế là lạm phát lại phi mã lên mức hai con số.

Cũng theo The Wall Street Journal, trong một đất nước công an dày đặc như ở Việt Nam, khả năng xảy ra những cuộc biểu tình chống chế độ giống như ở Trung Đông là điều khó xảy ra, nhưng đối với tuyệt đại đa số người dân ở Việt Nam hiện nay, cuộc sống càng thêm khó khăn, hết tăng gia điện, giờ đến tăng giá xăng.
Chính phủ Việt Nam vẫn trợ giá nhiên liệu và gánh một số chi phí cho các nhà nhập khẩu. Nhưng tình hình bất ổn tại Libya đang khiến giá dầu thế giới tăng vọt và do dầu hỏa vẫn được tính bằng đô la, cho nên việc phá giá tiền đồng càng làm phức tạp thêm vấn đề.

Theo một số nhà phân tích, chính sách mới của Việt Nam có thành công hay không còn phụ thuộc vào tiền đồng. Tính từ giữa năm 2008 đến nay, đơn vị tiền tệ của Việt Nam đã mất 20% giá trị và nhiều người ở Việt Nam, thay vì giữ tiền đồng, mua vàng hoặc đầu tư vào địa ốc, hoặc mua ngoại tệ. Xu hướng đôla hóa mọi giao dịch là một nguy cơ rất đáng ngại đối với bất cứ một đất nước nào. Chỉ một khi người dân yên tâm sử dụng đồng bạc Việt Nam, lúc đó mới có thể nói là chính phủ thành công.

Internet và điện thoại di động, 2 vũ khí góp phần lật đổ các chế độ độc tài

DR
DR
Thanh Phương 22/2/2011
 
Hôm nay, đài truyền hình chính thức của Libya bác bỏ thông tin về những vụ thảm sát người biểu tình chống chế độ Kadhafi, khẳng định đó chỉ là « những tin đồn và tin bịa đặt ». Nhưng nhiều người dân Libya cũng như dư luận quốc tế đều biết rằng từ nhiều ngày qua, chính quyền Tripoli đã thẳng tay đàn áp những người biểu tình, thậm chí sử dụng cả máy bay để oanh kích vào họ, khiến hàng trăm người chết.

Những thông tin này có được chủ yếu đó là nhờ các mạng xã hội đã liên tục chuyển tải những lời kể của nhân chứng tại chỗ, cũng như những hình ảnh do chính những người biểu tình quay bằng điện thoại di động.
Có thể nói là các mạng xã hội và điện thoại di động đã đóng góp vào việc lật đổ các chế độ độc tài Tunisia và Ai Cập, cũng như trong việc dấy lên phong trào phản kháng chưa từng có ở Libya và một số nước khác.
Nhờ những hình ảnh được quay bằng điện thoại di động ở Tunis, Cairo, Bahrain,. . . , được tải lên các mạng Facebook, Twitter, Flickr, YouTube, rồi sao đó được các đài truyền hình quốc tế như CNN hay Al-Jazira lấy lại để phát, mà cả thế giới biết được tầm mức của phong trào phản kháng tại những nước đó.

Riêng mạng YouTube nay đang có rất nhiều đoạn phim do một người sử dụng Internet có bí danh là « enoughgaddafi » ( Kadhafi, thế là đủ rồi ). Những hình ảnh về các vụ đàn áp biểu tình đẫm máu ở Bahrain và Libya đã gây phẫn nộ cho cả thế giới và càng khiến cho người dân các nước này thêm căm thù chế độ.

Micah Sifry, đồng sáng lập viên trang blog techPresident, chuyên về chính trị và các công nghệ thông tin, trong một bài báo gần đây có viết rằng, tại vùng Trung Đông, điện thoại di động còn phổ biến hơn cả Internet. Theo ông Sifry, đang hình thành quyền lực của một thế hệ trẻ, sống ở đô thị và được trang bị điện thoại di động. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào phản kháng.

Theo lời anh Wael Ghonim, nhân viên của tập đoàn Internet Google và là một trong những gương mặt tiêu biểu của cuộc nổi dậy tại Ai Cập vừa qua, các mạng xã hội đã đóng vai trò chủ yếu trong việc lật đổ Mubarak. Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CBS, anh nói rằng : « Không có Facebook, Twitter, Google, YouTube, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. »

Ông Alec Ross, cố vấn cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về các công nghệ mới, gần đây cũng nhìn nhận rằng, các mạng xã hội đã đóng một « vai trò quan trọng » trong các sự kiện ở Tunisia và Ai Cập, nhưng « công nghệ không tạo ra các phong trào ». Đúng hơn là, theo ông Alec Ross, công nghệ thông tin đã đẩy nhanh những biến chuyển. Bình thường, những phong trào đó có thể kéo dài hàng tháng hay hàng năm, nhưng nay được thu ngắn lại rất nhiều, nhờ các mạng xã hội. Ông so sánh mạng thông tin toàn cầu như là Che Guevara của thế kỷ 21.

Trong nỗ lực nhằm tiếp tục bưng bít thông tin, lãnh tụ Libya Kadhafi đã ngăn chận truy cập Internet trong nước. Cựu tổng thống Aicập Mubarak cũng đã làm như vậy, nhưng cuối cùng cũng đã bị lật đổ. Dĩ nhiên là tình hình của hai nước không hoàn toàn giống nhau. Khác với Mubarak, Kadhafi tỏ vẻ cương quyết dìm phong trào biểu tình trong biển máu. Nhưng phong trào được nuôi dưỡng bằng Internet và điện thoại di động chắc chắn sẽ khó mà bị dập tắt.